VẦNG TRĂNG VÀ SÁU XU – CÓ NHẤT THIẾT PHẢI CHỌN GIỮA “NGHỆ THUẬT” VÀ “CUỘC ĐỜI”?
Tháng mười 9, 2024
“Quả là một sự ngộ nhận lố bịch khi cho rằng nghệ thuật không hơn gì một món đồ mỹ nghệ mà chỉ người thợ thủ công mới có thể hiểu thấu trọn vẹn: Nghệ thuật là biểu hiện của cảm xúc còn cảm xúc lại truyền tải thứ ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được.”
Bài viết là cảm nhận cá nhân của mình về “Vầng trăng và sáu xu” của tác giả Somerset, qua góc nhìn của tác giả về 3 khía cạnh Con người – Nghệ thuật – Tình yêu. Tuy nhiên, do dung lượng bài viết, mình xin chỉ bàn đến một vài trong mênh mông những gợi mở mà Somerset đề ra trong tác phẩm.
Tóm tắt
Lấy cảm hứng từ cuộc đời danh họa Paul Gauguin, tác phẩm kể về cuộc đời của Charles Strickland – một người đàn ông trung niên có một đời sống trung lưu hoàn hảo: Làm công việc môi giới chứng khoán, có vợ đẹp và những đứa con ngoan tại thành phố London hoa lệ. Nhưng cũng chính người đàn ông ấy, từ bỏ tất cả – người vợ hết mực yêu thương mình, công việc đang ăn nên làm ra, những đứa con ruột thịt – để theo đuổi đam mê mãnh liệt là vẽ tranh, khi đã 40 tuổi.
Ông bỏ London để đến Pháp, sống trong một xưởng vẽ tồi tàn và mải miết sáng tạo nghệ thuật. Tại đây, ông gặp Stroeve – một họa sĩ chuyên vẽ tranh về những cuộc sống đẹp tại Ý. Stroeve – với sự ái mộ dành cho tài năng của Strickland và tình thương đối với sự nghèo khổ của ông ấy, quyết định đưa Strickland vào ở cùng nhà với mình, sau khi Strickland ốm một trận tưởng như gần đất xa trời. Trớ trêu thay, người vợ mà Stroeve yêu thương đến độ như tôn thờ – Blanche, lại phải lòng Strickland, và quyết theo Strickland đến cùng. Trong một cuộc xung đột giữa Blanche và Strickland, Blanche đã tự sát ngay tại nơi đã – từng – là mái ấm của chị và Stroeve.
Sau đó, Strickland đến với hòn đảo Tahiti – điểm dừng chân cuối cùng của ông. Ông lấy một người vợ là Ata. Tại đây, Strickland tiếp tục sáng tạo nghệ thuật cho đến khi qua đời vì bệnh phong.
2. Con người
Sự chấp tranh giữa tài năng và đạo đức
Liệu đời tư tai tiếng của một nghệ sĩ có làm giảm bớt giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của ông?
Người ta thường huyền thoại hóa những nhân vật vĩ đại thành những hình mẫu đạo đức – tác phẩm của họ đẹp, vậy đời tư của họ hẳn cũng phải đúng mực và đoan chính. Strickland cho rằng sự huyền thoại hóa đó chính là “sự phản kháng của tính lãng mạn trước sự tầm thường trong cuộc sống”.
Vậy trường hợp của Strickland thì sao? Ông vĩ đại với tư cách là người nghệ sĩ, nhưng tệ hại trong tất cả những vai trò còn lại.
Những sự kiện bề nổi đều khẳng định điều đó: Ông bỏ vợ và gia đình. Ông khiến một người phụ nữ tự tử vì tình yêu với mình. Ông cướp đi vợ của ân nhân cứu mạng mình. Ông trói buộc đời sống của một cô gái trẻ tuổi hơn mình rất nhiều. Thứ duy nhất ông ta tôn thờ và đặt lên hàng đầu, trên cả tình yêu với bạn đời, trên mọi quy chuẩn của xã hội về đúng – sai, trên cả tính mạng của chính mình – là cái đẹp và khát khao mãnh liệt được bộc lộ bản thân.
Đến đây, mình nghĩ lại: Liệu hành xử như Strickland có thực sự là tồi tệ? Thực ra ông ấy… mặc kệ tất cả ấy chứ. Ông ta chỉ làm điều ông ta muốn làm, và đón nhận điều người khác đưa đến, bất kể điều đó là thuận hay nghịch với luân thường đạo lý. Người ta cho ông công việc, ông làm việc. Stroeve chủ động giúp đỡ, ông đón nhận. Blanche chủ động tiếp cận và mong muốn theo ông, ông ở với chị ta. Ata nguyện ở cạnh ông để chăm sóc, bất kể cô sẽ bị lây bệnh phong, ông cũng không kháng cự. Có phải Strickland giống con thuyền trôi trên mặt nước, đảo xoay theo mọi chiều sóng vỗ vào? Con thuyền ấy chỉ đau đáu với duy nhất một điều: Hướng đến mặt trăng. Như Strickland khát khao nghệ thuật.
Và bản thân tác giả, đã ngầm thể hiện sự ngưỡng vọng với con người Strickland: “Điều thú vị nhất trong nghệ thuật là cá tính của người nghệ sĩ, và nếu cá tính ấy độc đáo thì tôi sẵn lòng châm chước cho cả nghìn điều lầm lỗi”
Sự cô đơn cố hữu và khát khao biểu hiện
Maugham mô tả Strickland là “một cái tôi lạ kỳ, đau đáu và đa mang”, “một tâm hồn đang tìm đường thoát xác”. Sự lạ kỳ đó khiến ông ta càng trở nên cô đơn giữa xã hội, trong khi con người vốn đã là một sinh vật hàm chứa sự cô đơn cố hữu. Strickland tìm mọi cách để biểu hiện cái tôi, xúc cảm, cùng nhãn quan độc đáo và khác biệt của bản thân về thế giới qua tranh vẽ, có lẽ một phần vì ông ta “diễn đạt bản thân chật vật như thể ngôn ngữ không phải là phương tiện bày tỏ suy nghĩ của tâm trí”. Tác phẩm nghệ thuật phản ánh chính tâm hồn nghệ sĩ. Và sự nguyên thủy, man dại, nồng nhiệt trong tranh vẽ của ông cũng chính là nét tự do, man dại và đau đáu của người đàn ông này.
3. Tình yêu
“Cuộc đời không đủ dài cho tình yêu và nghệ thuật đâu”.
Đó là lý do Strickland đã gạt bỏ mọi xúc cảm về dục tình – dù là ân nghĩa với người vợ cũ, tình cảm với Blanche – người tình tại Pháp, hay với Ata – người vợ trẻ tại Tahiti. Ông cho rằng tình yêu là thứ ủy mị và tốn thời giờ, bị những người đàn bà hình tượng hóa và dùng nó để thao túng đàn ông. Suy cho cùng, thứ tình yêu mà Strickland chọn là với nghệ thuật, và có lẽ, là tình yêu với bản thân – bởi ông khao khát thể hiện cái tôi mãnh liệt?
Thế nhưng, có sự khác biệt cơ bản trong tình yêu của 3 người phụ nữ đã đi qua đời Strickland. Ở cả bà Strickland (người vợ đầu của Strickland tại London) và Blanche đều có sự kỳ vọng, đều mong muốn nhận lại điều gì đó từ Strickland – là trách nhiệm của người cha, là tình yêu của người tình. Nhưng với cô bé Ata – cô bé dường như chỉ đơn thuần cho đi tình cảm, và mong muốn duy nhất của cô là được ở cạnh Strickland. Liệu điều này có liên quan gì đến tính nguyên thủy của tình yêu, trước cả khi xã hội hình thành và gắn thêm cho tình yêu những nghĩa vụ và trách nhiệm?
4. Nghệ thuật
Mình không biết nhiều về trường phái hậu ấn tượng, nên mình sẽ nói về “nghệ thuật” được phản ánh qua các nhân vật trong tiểu thuyết của Maugham. Đó là những hình tượng trái ngược nhau về nghệ thuật.
BÀ STRICKLAND
Nhân vật đầu tiên là bà Strickland – người vợ cũ của Strickland. Bà vốn không liên quan đến giới nghệ thuật, nhưng lại yêu thích và khao khát được đặt chân vào giới văn chương nghệ sĩ đến mức tổ chức các buổi tiệc và mời các văn sĩ đến giao lưu. Với bà, đó là nghệ thuật, là thứ cao hơn những nhàm chán nhạt nhẽo của cuộc sống thường ngày. Và bà luôn cho rằng người chồng im lặng và nhạt nhẽo, vô vị của mình không hề quan tâm hay có kiến thức gì về nghệ thuật.
Ông Strickland, ban đầu, hiện lên qua lời giới thiệu của bà vợ và cô văn sĩ Waterfold là “đù đờ”, “khờ khạo”, “tẻ ngắt” nhưng “tử tế vô cùng”. Cho đến khi tác giả trực tiếp gặp mặt Strickland, những lời giới thiệu này càng được khẳng định chắc chắn khi ông cảm thấy Strickland chỉ là “một người đàn ông trung thực, ngờ nghệch và chán ngắt”, “một công dân gương mẫu của xã hội, một người chồng, một người cha tốt” và “chẳng có lý do gì để phí thì giờ với ông ta”.
Sự đối lập kỳ lạ giữa người vợ của Strickland – một người đàn bà yêu nghệ thuật và có mong muốn tham gia vào giới văn chương nghệ sĩ, với ông Strickland – một người mà xã hội nghĩ là vô vị, khù khờ và chẳng biết gì về nghệ thuật. Nhưng thứ nghệ thuật mà Strickland theo đuổi, hóa ra, lại mãnh liệt và to lớn như vầng trăng, nguyên thủy và dồi dào, trần trụi và choáng ngợp. Đến cuối cuốn sách, khi nhìn lại, thứ “nghệ thuật” mà bà Strickland yêu thích lúc đầu chỉ như vệt trăng loang loáng chiếu trên đồng sáu xu.
NHÓM VĂN NGHỆ SĨ TẠI LONDON
Nhóm nhân vật thứ hai, là chính những văn sĩ mà tác giả – là một nhà văn, thường hay giao du cùng. Những cuộc đàm đạo văn chương của họ tưởng như phải xoay quanh những chủ đề nghệ thuật vĩ mô và trừu tượng hóa ra lại rất… “lông gà vỏ tỏi”, thực tế và thực dụng: họ “dùng lời lẽ châm chích mỉa mai để sát phạt một đồng nghiệp nào đó”, về “cuốn sách bán được bao nhiêu bản, tác giả được ứng trước bao nhiêu tiền nhuận bút”, so sánh sự “hào phóng của nơi này và bủn xỉn” của các nhà xuất bản khác nhau…. Nhưng, một lần nữa, cũng giống như bà Strickland – những nhân vật này chỉ ngắm nhìn nghệ thuật một cách hời hợt – là ánh trăng loang loáng được chiếu trên đồng sáu xu.
ANH HỌA SĨ STROEVE
Nhân vật thứ ba, là anh họa sĩ Stroeve. Stroeve trái ngược hoàn toàn với Strickland, cả về tính cách, ngoại hình, lẫn sự nghiệp: Anh là người đàn ông đa sầu đa cảm, luôn giang tay giúp đỡ bất cứ cuộc đời nghèo khổ nào, dành cho vợ một tình yêu vĩ đại đến mức như tôn thờ; Một người hào sảng, với ngoại hình mập mạp và gương mặt hài hước. Trong khi đó, Strickland hiện lên như một người đàn ông lãnh đạm với mọi thứ tình cảm hay cám dỗ về vật chất, không bận tâm đến tình yêu, cao gầy và gương mặt có nét man dại.
Đáng kể hơn cả là những tác phẩm nghệ thuật. Stroeve là họa sĩ đương thời thành công, với những bức tranh nước Ý “của những tên lục lâm lãng mạn và những phế tích đẹp như tranh vẽ”, là thứ “lý tưởng nghèo nàn, tầm thường, cũ rích”, “giả tạo, thiếu chân thực, vô giá trị”. Nhưng bản thân Stroeve cũng nhận thức được điều đó – anh thừa nhận “tôi không có tham vọng trở thành một họa sĩ vĩ đại”. Anh chỉ muốn “mang sự lãng mạn”, mang cái nắng vàng ươm của nước Ý vào những ngôi nhà xám xịt và lạnh lẽo ở Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển.
Ngược lại, Strickland là một kẻ keo kiệt, bủn xỉn, lãnh đạm, và vẽ nên những bức tranh như của “một người say rượu”, mà không ai thấy đẹp khi mới nhìn vào. Tại đây, dường như có hai luồng quan điểm va đập: Trong khi Stroeve – một người hâm mộ nhiệt thành tài năng của Strickland, cho rằng tranh của ông là nghệ thuật thực thụ và nghệ thuật không phải thứ dễ cảm như cách ta nhặt hòn đá ven đường, thì chính tác giả lại khẳng định nghệ thuật không nên là thứ chỉ có thể cảm được bởi những người sáng tác, những kẻ có con mắt và khiếu cảm thụ tinh tường. Nghệ thuật nên chạm được tới đám đông, vì bất kể hình thức mà người nghệ sĩ lựa chọn thể hiện, thì nghệ thuật vẫn kết nối con người thông qua sợi dây cảm xúc. Điều này lý giải cho sự choáng ngợp mà tác giả, hay bác sĩ Coutras – người đã nhìn thấy kiệt tác cuối đời của Strickland trước khi nó bị phá hủy, cảm nhận được dẫu không thể lý giải bằng lý trí những sáng tác của Strickland.
Vậy một người nghệ sĩ chân chính nên chọn vầng trăng hay là đồng sáu xu? Và liệu chăng, ta có thể ngắm nhìn cả hai cùng một lúc?
“Vầng trăng và sáu xu” thực sự có rất nhiều gợi mở, và mình nghĩ bản thân cần đọc lại thêm nhiều lần nữa để tự trả lời những câu hỏi mà cuốn sách đặt ra.