Vẻ đẹp hiện đại của nghệ thuật ghép vải trên thời trang jeans
Vẻ đẹp hiện đại của nghệ thuật ghép vải trên thời trang jeans
Nghệ thuật ghép vải của người dân tộc vùng núi phía bắc là một di sản văn hóa quý. Mỗi họa tiết, mỗi màu sắc vốn đều mang một ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với cuộc sống, tín ngưỡng và quan niệm thẩm mỹ của từng tộc người, từng cộng đồng. Từ những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu của người H’Mông, đến những đường nét tinh xảo, uyển chuyển trên trang phục của người Dao khi được ghép với nhau tạo thành những tác phẩm độc đáo làm nên những câu chuyện giản dị mà hòa quyện về thiên nhiên và con người. Truyền tải điều này trên các thiết kế hiện đại từ vải jeans theo cách sáng tạo của nhà thiết kế (NTK) Hà Nội Cao Minh Tiến chúng càng trở nên thú vị và khác biệt hơn.
Nghệ thuật ghép vải biết nói
Nếu như kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng độc đáo người H’Mông (vùng núi phía bắc) với những đường nét uốn lượn mềm mại và hình khối độc đáo trên các tông màu trầm mang đến một sức hút kỳ lạ thì y phục của người Dao lại khác, rực rỡ hơn. Với các kỹ thuật đáp, ghép vải tạo hoa văn bởi kỹ thuật khâu giấu đường chỉ và kỹ thuật phối các mảnh vải màu cơ bản (xanh, đỏ, vàng, chàm, trắng) với nhau người Dao tạo nên vẻ ngoài rực rỡ mang đậm tinh thần sống tích cực và thể hiện mạnh mẽ niềm tin vào đất trời, tín ngưỡng…
NTK Cao Minh Tiến chia sẻ: “Kiểu và kỹ thuật ghép vải của bà con dân tộc vùng núi phía bắc rất thôi thúc các tín đồ thời trang khám phá. Mỗi miếng vải nhỏ được ghép là một câu chuyện riêng biệt được kể bởi các họa tiết độc đáo có trong chúng. Ghép nhiều miếng vải vào với nhau người mặc không chỉ có một bộ trang phục lộng lẫy mà còn sở hữu cả một nội dung văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc”.
Và sự kết hợp táo bạo của các nhà thiết kế
Chia sẻ với phóng viên, nhiếp ảnh Long Nguyễn nói: “Đưa những họa tiết truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc vào thời trang ứng dụng khiến mỗi thiết kế không chỉ là trang phục mà còn là một thông điệp văn hóa, giúp kết nối về ngôn ngữ thời trang với các tín đồ đến từ châu Âu, Mỹ hay Nhật”.
“Cùng với một số nhà thiết kế yêu thời trang dân tộc, yêu thổ cẩm đã từng được biết đến như nhà thiết kế Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Ngọc Hân, La Phạm, Phan Đăng Hoàng… giờ đây hình ảnh những bộ trang phục thổ cẩm vải ghép đầy táo bạo, cá tính và hiện đại này đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thời trang Việt Nam với thời trang các nước”, nhiếp ảnh Long Nguyễn nói tiếp.