Vẻ đẹp ngỡ ngàng của những công trình, kiến trúc vượt thời gian tại Hà thành
Vẻ đẹp ngỡ ngàng của những công trình, kiến trúc vượt thời gian tại Hà thành
Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi ghi dấu lịch sử ngàn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc. Ở đó, có những ngôi nhà xưa cũ đã “chứng kiến” biết bao thăng trầm của Thủ đô…
Những công trình kiến trúc như những minh chứng lịch sử chứng kiến bao sự kiện vô giá, những thăng trầm của thủ đô Hà Nội.
Cùng nhìn ngắm Thủ đô Ngàn năm văn hiến qua các địa danh lịch sử, công trình kiến trúc cho thấy sự thay đổi diện mạo từ xưa cho tới hiện tại, giúp chúng ta có một góc nhìn mới lạ hơn và rõ ràng hơn về sự phát triển của nơi lưu dấu lịch sử ngàn năm…
Nhà hát Lớn Hà Nội có tên ban đầu là Nhà hát Thành phố (Théatre municipal). Công trình này được Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911 trên phố Paul Bert. Được xây dựng theo mẫu nhà hát Opéra Ganier ở Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn và những vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Ngày nay nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Cửa hàng bách hóa Grands Magasins ở ngã tư Paul Bert – Francis Garnier nay được xây dựng lại, trở thành Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza nằm tại số 24 Phố Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Được gọi là quảng trường Paul Bert trong thời kỳ thuộc địa Pháp. Sau năm 1945, Nhà Bát Giác được xây dựng trong khuôn viên của vườn hoa và khu vực này đã được đổi tên và nhà Bát Giác được xây dựng để dành cho các hoạt động văn hóa và biểu diễn. Nhà Bát Giác nằm ở trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay.
Nhà Thờ Lớn được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng ngay dịp lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887). Tên gọi đầu tiên của Nhà Thờ Lớn là Nhà thờ Thánh Giu-se (Saint Joseph). Ngày nay Nhà thờ Lớn Hà Nội tọa lạc tại 40 Phố Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội .
Bảo tàng lúc đầu mang tên Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ, nằm trên phố Concession về sau đổi thành Bảo tàng Louis Finot. Bảo tàng được xây dựng năm 1925, hoàn thành năm 1932. Hiện nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nằm tại số 1, phố Phạm Ngũ Lão.
Cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 và được coi là Trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay nằm tại 58 Phố Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Cột cờ được khởi công xây dựng từ năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và tốn 7 năm để hoàn thành. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cột cờ Hà Nội được sử dụng như một đài quan sát khu vực nội và ngoại thành. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 10/10/1954, đúng 15 giờ tiếng Quốc ca vang vọng giữa tiếng hò reo và hình ảnh lá cờ bay phất phới trên Cột cờ Hà Nội. Đánh dấu một bước ngoặt lớn vô cùng ý nghĩa, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Cột cờ Hà Nội hiện nay đang nằm tại địa chỉ 28A Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình.
Nhà ga được khởi công xây dựng vào năm 1899, khánh thành năm 1902 và có tên gọi là ga Trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên tên gọi này khá dài nên người dân thường gọi là ga Hàng Cỏ. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ga Hàng Cỏ không chỉ là cầu nối quan trọng để tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược… Ngày nay ga Hàng Cỏ được đổi tên thành Ga Hà Nội, nằm tại số 120 đường Lê Duẩn.
Ô Quan Chưởng có tên chữ là Đông Hà Môn. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm 1749, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Đến năm 1817 xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Nằm trên phố Ô Quan Chưởng, ngã tư Hàng Chiểu, Đào Duy Từ. gần dưới chân cầu Chương Dương (Ảnh tư liệu Ô Quan Chưởng xưa trưng bày trong triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố”)
Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Đền Quán Thánh là một trong Thăng Long tứ trấn gồm 4 ngôi đền: Đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc, Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam, Đền Voi Phục trấn giữ phía Tây, Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông. Ngày nay đền nằm tại số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cầu Thê Húc được Nguyễn Văn Siêu cho khởi công xây dựng vào năm 1865 dưới triều Tự Đức. Nhằm kết nối giữa bờ bên này của hồ Hoàn Kiếm với bờ bên kia của đền Ngọc Sơn. Ý nghĩa “Thê Húc,” dịch là “Ngưng tụ hào quang” hay “nơi lưu lại ánh sáng Mặt trời.” Cầu Thê Húc nằm trong khuôn viên khu di tích lịch sử đền Ngọc Sơn, Phố Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tháp nước Hàng Đậu còn có tên gọi là Đài Đầu hoặc Bốt Hàng Đậu. Năm 1894, tháp nước Hàng Đậu được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. Tháp trông như một pháo đài gồm ba tầng, hình trụ tròn đường kính 19 m, cao 25 m, mái tôn hình chóp nón, xung quanh có những cửa sổ nhỏ như lỗ châu mai. Tháp được xây lên nhằm mục đích phân phối nước từ đây đi thẳng vào thành, nơi quân đội thực dân Pháp đóng và phân phối nước về các khu phố khác. Tháp nước này bị bỏ không từ năm 1954 và hiện nay trở thành điểm tham quan cho du khách mỗi khi đến du lịch tại Hà Nội. Tháp nước nằm ở ngã sáu các phố Hàng Đậu, Hàng Than, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Hàng Giấy.