Về ‘Rồng khênh kiệu mặt trời’ bằng vàng của triều Nguyễn bán đấu giá 2,3 tỉ đồng

Tháng mười 16, 2024

Về ‘Rồng khênh kiệu mặt trời’ bằng vàng của triều Nguyễn bán đấu giá 2,3 tỉ đồng

Nói về các cổ vật bằng vàng của VN thì triều Nguyễn còn lại với số lượng nhiều nhất. Kho báu của triều Nguyễn mà vua Bảo Đại khi thoái vị đã bàn giao cho chính quyền Việt Minh năm 1945 có hơn 2.500 bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc, ngà; trong đó có hơn 100 ấn vàng (có ấn nặng hơn 10 kg), hơn 100 sách vàng (có sách cũng nặng 10 kg).

Về 'Rồng khênh kiệu mặt trời' bằng vàng của triều Nguyễn bán đấu giá 2,3 tỉ đồng- Ảnh 1.

Đồ kỷ niệm của bác sĩ Laurent Gaide – Nguồn: Invaluable.com

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Ngoài ra, còn rất nhiều bảo vật bằng vàng khác như kiếm, bát, đĩa, chậu rửa mặt, cành vàng lá ngọc… Đặc biệt là 4 chiếc mũ bằng vàng của vua mà tôi đã vinh dự được mời phục chế năm 2008. Đó là chưa kể vô vàn bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc, ngà mà người Pháp đã lấy đi trong thời gian đô hộ, nhất là sự kiện năm 1885 khi kinh thành Huế thất thủ.

Hiện nay, số hiện vật của triều Nguyễn trôi nổi trên thị trường thế giới rất nhiều, và đã được đem ra đấu giá. Điển hình nhất là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” đã được một tư nhân mua và chiếc mũ của quan Đại thần triều Nguyễn được Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine đấu giá thành công, sau đó hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Qua tìm hiểu, cổ vật mà trang đấu giá Thủa vàng son nêu có thông tin như sau:

Đông Dương 1921. Giá đỡ trang trí bằng vàng 18k, được làm bằng kỹ thuật dập nổi và điêu khắc. Giá đỡ có dạng vòm, bao gồm hai con rồng vươn mình ra khỏi sóng nước để đuổi theo một viên ngọc bừng cháy. Kết cấu được đặt tựa trên hai con hổ Phật giáo đang nằm. Hai con rồng đỡ lấy một biểu ngữ với nội dung: “Thăng cấp sĩ quan – Quân đoàn danh dự – tháng 1”. Toàn bộ kết cấu được đặt trên một bệ đỡ hình vuông, được trang trí bởi đầu của các sinh vật thần thoại.

Trọng lượng: 172g.

Xuất xứ: Bộ sưu tập của: Docteur Laurent Gaide (1870 – 1960), bác sĩ, giám đốc Sở Y tế Đông Dương.

Về 'Rồng khênh kiệu mặt trời' bằng vàng của triều Nguyễn bán đấu giá 2,3 tỉ đồng- Ảnh 2.

Đồ kỷ niệm của bác sĩ Laurent Gaide – Nguồn: Invaluable.com

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Bác sĩ Laurent Gaide nhận danh hiệu Sĩ quan từ Quân đoàn Danh dự (Légion d’honneur) ngày 10.1.1921 và danh hiệu Commander (chỉ huy) cho những đóng góp suốt 32 năm phục vụ và cho 26 chiến dịch quân sự mà ông đã tham gia.

Xem xét hình ảnh và nội dung khắc trên cổ vật, cùng với thông tin của nhà đấu giá, tôi nhận thấy: Đây không phải là giá đỡ, mà là đồ được làm ra để đánh dấu một kỷ niệm lớn trong cuộc đời phục vụ quân ngũ của bác sĩ Laurent Gaide tại VN vào năm 1921, thuộc triều vua Khải Định (1916 – 1925). Về trọng lượng 172g, tính ra là 4 lượng, 6 chỉ, 8 phân, 6 ly vàng.

Mặc dầu nguồn gốc và xuất xứ của cổ vật đã rõ, nhưng vấn đề ở đây là đề tài trang trí rất đặc biệt với một món đồ kỷ niệm của người Pháp, thể hiện ở chi tiết: Trên cùng là hình tượng mặt trời được đặt trên một bệ đỡ là một hình hoa cúc cách điệu theo lối nhìn ngang bổ dọc nhưng lại có hoa văn cuộn của mây, và trên bề mặt có khắc họa dòng chữ (được cho là biểu ngữ nêu trên).

Tiếp đến phía dưới là hai rồng với biểu đạt đang công kênh hình hoa và mặt trời. Xuống dưới nữa là chiếc bệ có hoa văn sóng nước cuộn lên, rồi dưới nữa là hai tượng hình lân đỡ lấy bệ sóng nước. Tất cả được đặt trên một chiếc đế trông như chiếc kỷ. Toàn cảnh cũng cho thấy rất Việt Nam ngoại trừ dòng chữ.

Về 'Rồng khênh kiệu mặt trời' bằng vàng của triều Nguyễn bán đấu giá 2,3 tỉ đồng- Ảnh 3.

Hoa đỡ mặt trời, trên lá đề đất nung, thời Trần. Nguồn: Sách Mặt trời & Hoa cúc – biểu tượng vương quyền VN

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Tóm lại, đây là đề tài: Rồng khênh kiệu mặt trời, trong đó hình hoa cũng vừa là kiệu bởi được thể hiện rất rõ có chân quỳ đặt trên đòn khênh, còn hai rồng thì thể hiện phóng lên từ mặt nước. Tất cả với ý đồ là tôn vinh mặt trời, mang hàm ý sùng kính vua triều Nguyễn (mặt trời là biểu tượng của vua triều Nguyễn).

Như vậy, hàm ý trang trí trên cổ vật có phù hợp với một kỷ niệm được thăng cấp của bác sĩ người Pháp hay không, bởi quân đội Pháp không trực thuộc triều đình nhà Nguyễn. Và Quân đoàn Danh dự ở đây là gì? Tại sao hàng chữ lại được thể hiện ở một vị trí rất danh dự là trên bệ đỡ mặt trời mà không khắc ở dưới đế theo truyền thống của người Pháp?

Các vấn đề đặt ra nêu trên, cùng với điểm nổi bật của hiện vật là hình tượng hoa cúc đỡ mặt trời – đây là mô típ cung đình, mang tính truyền thống và rất phổ biến ở các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn – món đồ này rất có thể được thiết kế và chế tác bởi “Nội kim tượng cục” của triều Nguyễn. Còn Quân đoàn Danh dự có thể là quân đoàn trực thuộc triều đình trên danh nghĩa, và bác sĩ Laurent Gaide đã được vua Khải Định thăng cấp, cùng với món đồ này là phần thưởng. Đây có lẽ cũng là câu trả lời cho dòng chữ được thể hiện ở vị trí danh dự như là một biểu ngữ đỡ lấy biểu tượng của vua.