Vì sao Hồ Chí Minh khẳng định ‘đạo đức là gốc’?
Vì sao Hồ Chí Minh khẳng định ‘đạo đức là gốc’?
1. Trong mối quan hệ Đức – Tài, Hồ Chí Minh không phủ nhận tài năng của mỗi con người, nhưng không phải ai cũng có tài để trở thành thiên tài. Vì vậy, “đức là gốc”, bởi từ “cái gốc” đó nuôi dưỡng con người trưởng thành, có quan điểm, chính kiến, biết phân biệt phải trái, tránh vàng thau lẫn lộn. Với người cách mạng, “đức là gốc”, trước hết là cách xử thế với chính mình, phải “chính tâm tu thân”; chỉ có thể tự mình trở thành người tốt thì mới có thể xử sự tốt với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp.
Trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, khi con người đã sáng chế ra trí tuệ nhân tạo, robot thông minh hay các máy tính siêu thông minh thì sự phân biệt giữa người với máy chỉ còn là tình cảm và đạo đức. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức, khẳng định vai trò sức mạnh của đạo đức “là gốc” chính là nhấn mạnh sự thiện lương, hướng thiện trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống và cách hành xử hợp đạo lý để trở thành người có ích cho xã hội và bản thân họ cũng có hạnh phúc đích thực.
2. Về mối quan hệ đạo đức – pháp luật, Hồ Chí Minh bàn nhiều trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”. “Đức trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là một nhà nước do Đảng chân chính và cách mạng lãnh đạo. Nhà nước đó phải có đội ngũ cán bộ thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân. “Đức trị” trong quan điểm của Hồ Chí Minh còn hàm ý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; vừa nêu gương, vừa tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức mới – đạo đức hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng nếu đạo đức bị tha hóa thì dù pháp luật có hoàn thiện bao nhiêu cũng khó thực hiện được trong thực tiễn. Như vậy, Nhà nước Việt Nam mới, để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân, thì đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức để “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành” của nhân dân.
Không chỉ xây dựng Nhà nước Việt Nam mới với sự kết hợp “pháp trị” với “đức trị”, mà trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải có sự kết hợp nói trên. Kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị” trong công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiên định, trung thành với lý tưởng cộng sản, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, dân chủ, khoa học.
Sự kết hợp này nhằm mục đích tạo nền chính trị đạo đức. Bởi, “đức trị” đại diện cho đạo đức, hành động quang minh chính đại và tinh thần phục vụ nhân dân. Còn “pháp trị” là gốc rễ của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. “Pháp trị” đại diện cho hệ thống pháp luật. Pháp luật phải truyền tải được những giá trị cốt lõi của đạo đức xã hội và chuẩn mực đạo đức của dân tộc. Trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước được thiết lập theo nguyên tắc “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, đưa nhân dân lao động trở thành người chủ của xã hội, chủ thể gốc của quyền lực. Pháp luật là bệ đỡ của dân chủ và không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Pháp luật là công cụ của nhà nước, sử dụng để quản lý xã hội.
Kết hợp cả hai sẽ hướng tới xây dựng nền chính trị đạo đức, nơi pháp luật không chỉ được tuân thủ, thực hiện nghiêm, mà còn phản ánh giá trị đạo đức của xã hội.
Sự kết hợp còn là thước đo sự tín nhiệm của nhân dân. “Pháp trị” bảo đảm sự công minh, công bằng và đáng tin cậy trong quản lý và quyết định của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ công. “Đức trị” tạo sự tín nhiệm từ nhân dân, khi cán bộ thể hiện lòng trung thành, tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc.
Sự kết hợp còn tạo hiệu quả trong quản lý. Bởi “pháp trị” định rõ quy trình, trách nhiệm và quyền hạn, còn “đức trị” giúp cán bộ thấu hiểu tâm tư, nhu cầu, những khó khăn của nhân dân, từ đó quản lý hiệu quả hơn.
Thực tiễn lịch sử đã khẳng định rõ, ở những bước ngoặt lịch sử, vấn đề rèn luyện lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị đối với tất cả cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị là vấn đề sinh tử cho bản thân cán bộ và cho sự nghiệp chung. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Đảng lãnh đạo, cầm quyền xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trong mối quan hệ “đức trị” và “pháp trị”, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Đối với Bác, đạo đức là để hành động. Hành động thì phải có chuẩn đích rõ ràng, phải có kỷ luật thúc đẩy. Cho nên nếu đạo đức là gốc của pháp luật, thì pháp luật là chuẩn của đạo đức, định ra để cho mọi người thấy đích rõ ràng mà làm theo và bắt buộc phải làm theo. Từ đó, chúng ta hiểu rằng đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn; vì vậy, trong thực hiện nhiệm vụ công, phải có sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật.
Đạo đức là gốc của pháp luật, nhưng không thay thế được pháp luật, không hướng dẫn được hành động một cách chính xác và có hiệu lực chính xác. Trái lại, pháp luật mà tách rời đạo đức thì lung lay, làm cho hành động bị chệch choạc, thậm chí mất phương hướng. Lấy đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn, xây dựng pháp luật trên đức “chí công vô tư” và để thực hiện lý tưởng “chí công vô tư”. Vì vậy, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm vun cái gốc, từ cái gốc đó để chúng ta “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
3. Hiện nay, trong quá trình chuẩn bị công tác nhân sự của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ quan điểm: Vun gốc để tránh lụi cành. Yêu cầu tiên quyết cho công tác nhân sự của Đảng là đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, phải có bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao. Vì đội ngũ này không chỉ quyết định sự thành bại của một nhiệm kỳ đại hội Đảng, mà phẩm chất, tài năng của họ gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển bền vững, toàn diện của Đất nước. Nói một cách khái quát, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, nhắc lại bài học “gốc rễ đạo đức” mà Bác Hồ đã dạy năm xưa vì điều này vẫn còn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định rõ, ở những bước ngoặt lịch sử, vấn đề rèn luyện lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị đối với tất cả cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị là vấn đề sinh tử cho bản thân cán bộ và cho sự nghiệp chung. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Đảng lãnh đạo, cầm quyền xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Bạn đang đọc Vì sao Hồ Chí Minh khẳng định ‘đạo đức là gốc’? tại website hungday.com