‘Vì sao luật vừa thi hành đã sửa, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa?’

Tháng tám 22, 2024

‘Vì sao luật vừa thi hành đã sửa, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa?’

Sáng 22.8, kỳ họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với phiên chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.

'Vì sao luật vừa thi hành đã sửa, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa?'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy

ẢNH: GIA HÂN

Vì đâu phải sửa?

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề cập tới thông tin Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi 13 dự án luật do có bất cập, vướng mắc.

Bà Thủy nói, chúng ta đã có định hướng chương trình xây pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được thực hiện thường xuyên. Cả bộ máy cơ quan từ Chính phủ đến Quốc hội đều làm việc trách nhiệm, thậm chí hết sức vất vả.

Thế nhưng, luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa. Nhiều địa phương, nhiều chương trình không muốn áp dụng quy định của luật mà lại đòi hỏi phải có cơ chế chính sách đặc thù, khác luật.

“Những việc này nguyên nhân vì đâu. Trách nhiệm của Chính phủ trong việc các luật phải liên tục sửa đổi là như thế nào. Làm sao để cân bằng giữa tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật với nhu cầu có tính đặc thù, thời điểm?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ đó, Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật. Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau.

Trong đó, nhóm thứ nhất là sửa đổi, bổ sung luật Đầu tư, luật Đầu tư công, luật PPP, luật Doanh nghiệp, luật Quy hoạch và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nhóm thứ hai là sửa đổi luật Ngân sách nhà nước, luật Quản lý thuế, luật quản lý, sử dụng tài sản công, luật Kế toán, luật Dự trữ quốc gia… Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.

Theo ông Lê Thành Long, lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.

'Vì sao luật vừa thi hành đã sửa, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa?'- Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

ẢNH: GIA HÂN

Năng lực bộ máy xây dựng pháp luật có vấn đề?

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói rất chia sẻ với những nguyên nhân khách quan, khi cần phải sửa luật để đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn.

Nhưng về mặt chủ quan, ngoài việc “anh em chưa chủ động”, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân là do năng lực, tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia vào công tác xây dựng pháp luật.

Bà Thủy dẫn thông tin tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án luật, trong đó thông qua 12 dự án. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung nhiều dự án luật sẽ trình và thông qua ngay tại kỳ họp này.

Cho rằng năng lực của bộ máy xây dựng pháp luật đang có vấn đề, bà Thủy ví von “một người gánh 50 kg còn khó mà bây giờ chúng ta bắt người ta phải gánh đến 100 kg, liệu có làm được không?”.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nội còn bày tỏ sự lo ngại về chất lượng các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bởi đến thời điểm này, các cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội vẫn chưa biết sẽ dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung gì.

Hồi đáp đại biểu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định “cái khó nhất” trong xây dựng pháp luật là phải dung hòa giữa 2 việc: một là đáp ứng nhu cầu thực tế, hai là giữ vững sự ổn định của hệ thống.

Thực tế cho thấy, những khó khăn, thách thức, yêu cầu từ thực tiễn luôn đòi hỏi phải có giải pháp xử lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất giải pháp trong thời gian tới sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục duy trì những vấn đề ổn định và nâng cao trình độ, năng lực để đạt chất lượng tốt hơn, qua đó xử lý các vấn đề phát sinh.

Đồng thời, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, yếu tố năng lực và sự chuyên nghiệp cũng rất quan trọng. Ngoài việc đầu tư thêm cho lực lượng xây dựng chính sách pháp luật, việc “cơ bản nhất” vẫn là tâm huyết, trách nhiệm, lòng đam mê của cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.


Bạn đang đọc ‘Vì sao luật vừa thi hành đã sửa, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa?’ tại website hungday.com