Vì sao tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao?

Tháng chín 22, 2024

Việt Nam và các quốc gia khác đều chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, đồng thời sản lượng quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút đáng kể.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó sự thay đổi của hai chỉ số quan trọng là GDP và thất nghiệp đã phản ánh rõ ràng sự ảnh hưởng này. Dựa trên các số liệu thống kê từ năm 2019 đến năm 2024, chúng ta có thể thấy những biến động mạnh mẽ trong nền kinh tế.

1. Sự sụt giảm của GDP ở Mỹ và Việt Nam trong đại dịch

Các giai đoạn tăng trưởng và suy thoái là đặc trưng của chu kỳ kinh doanh. GDP thực và các đại lượng liên quan phản ánh thu nhập, chi tiêu và sản xuất giảm, thất nghiệp tăng.  –  Tại Việt Nam, năm 2019 – 2020 GDP danh nghĩa tăng nhẹ từ 262 tỷ USD lên 271,2 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP thực đã giảm từ 7,02% xuống còn 2,91%, thấp nhất trong các năm từ 2011-2020.  –  Đối với Hoa Kỳ, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP danh nghĩa đã giảm từ 21,43 nghìn tỷ USD xuống còn 20,93 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng GDP thực giảm xuống mức -3,5%. Tệ nhất kể từ năm 1946 và cũng là năm giảm đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2007 – 2009.

2. Khủng hoảng kinh tế: tác động đến tổng Cung, tổng Cầu và thất nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực mạnh mẽ đến tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Khi các quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhu cầu tiêu dùng giảm do người tiêu dùng và doanh nghiệp mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn bất kể mức giá nào. Việc kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên khó khăn, sản lượng giảm mạnh, kéo theo sự khan hiếm và tăng giá cả. Các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất và thậm chí đóng cửa, dẫn đến tình trạng thất nghiệp chu kỳ lan rộng. Thất nghiệp chu kỳ là tình trạng thất nghiệp do những biến động ngắn hạn trong chu kỳ kinh doanh, xảy ra khi nền kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái. 

–  Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp năm 2018 là ≈ 2.2%​, 2021 là ≈ 3.22%​, 2024 là ≈ 2.5%​. Mặc dù thị trường lao động dần phục hồi vào năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn so với trước đại dịch.
–  Theo định luật Okun, mỗi 1% tăng thêm trong tỷ lệ thất nghiệp dẫn đến giảm 2% sản lượng kinh tế. Minh chứng cho sự mất mát trong giá trị hàng hóa và dịch vụ không được sản xuất.
–  Mức giảm GDP nghiêm trọng đã kéo theo sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp. Tạo ra một vòng luẩn quẩn trong nền kinh tế khi thất nghiệp cao làm giảm chi tiêu, dẫn đến suy giảm thêm trong GDP.

3. Tương lai của thị trường lao động và thách thức mới

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ dần hồi phục nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời kỳ đại dịch cũng đặt ra thách thức mới cho thị trường lao động. Nhiều công việc truyền thống bị thay thế tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các công việc có tính lặp đi lặp lại và tay nghề thấp như hành chính văn phòng và lắp ráp máy móc, v.v… Trong khi đó, nhu cầu về những kỹ năng mới như phân tích dữ liệu, sáng tạo và tư duy chiến lược đang gia tăng.Những thách thức này mới này, đòi hỏi lực lượng lao động phải nâng cao kỹ năng mới và sẵn sàng đối mặt, thích ứng với những biến đổi lớn. Tương lai của thị trường lao động sẽ thuộc về những ai dám chấp nhận thay đổi, không ngừng nâng cao năng lực để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới.

Đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế mà đã và đang gây ra những tác động sâu rộng và chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. 
Từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm sút nhu cầu tiêu dùng, đến sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và khủng hoảng lao động. 
Tuy nhiên, trong khó khăn luôn tiềm ẩn cơ hội để cải cách và tiến bộ. Để phục hồi và vượt qua thách thức, các quốc gia nói chung và mỗi cá nhân nói riêng phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để phát triển và thích ứng nhanh chóng.
Sáng tạo sẽ là chìa khóa để xây dựng lại một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng hơn.
Các số liệu trên theo Tổng cục Thống kê Việt Nam và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), FocusEconomics – dữ liệu kinh tế toàn cầu