VIẾT ĐỂ SỐNG: CUỘC ĐỜI SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN VIẾT TRUYỆN KIẾM HIỆP ƯU ĐÀM HOA

Tháng tám 5, 2024

Ưu Đàm Hoa là một trong những tiểu thuyết gia viết các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông tên thật là Phạm Công Lánh, sinh năm 1956. Hiện ông đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng 15 năm, từ 1990 đến 2005, ông lần lượt cho ra mắt 19 tác phẩm đồ sộ. Tác phẩm thứ 20, Ta Bà Phong Vân Ký, được ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2023, đánh dấu thế giới quan và tư tưởng Phật giáo sâu sắc của ông.
Ưu Đàm Hoa đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác văn chương. Còn nhớ vào năm 2021, bệnh của nhà văn trở nặng đến nỗi tưởng không qua khỏi. Ông bị bệnh phổi do hút thuốc lá quá nhiều trong khi viết, bởi vì một khi đã ngồi vào bàn viết, ông sẽ viết liên tục ngày đêm. Vợ ông còn bảo, ở gần mới thấy ông như bị điên. Lúc viết vừa khóc vừa cười, hoàn toàn nhập tâm và sống cùng các nhân vật trong đó. Đến nỗi nhiều khi, nếu có thể vác kiếm trên vai đi trên đường, có khi ông cũng làm. 

Nhân duyên đưa ông tới việc sáng tác truyện kiếm hiệp 

Ngay từ khi còn nhỏ, Ưu Đàm Hoa đã yêu thích nền văn hóa Trung Quốc. Từ năm 8 tuổi ông đã đọc Tam Quốc Chí, rồi Thủy Hử, Tây Du Ký, Liêu Trai chí dị, v.v… Sau đó ông đọc truyện kiếm hiệp của các nhà văn Kim Dung, Cổ Long… Nó trở thành một bản ngã trong ông. 
Ngoài việc thấm nhập văn hóa Trung Hoa, Ưu Đàm Hoa còn sống trong xóm người Tàu, xung quanh toàn là người Tàu. Ông nói tiếng Tàu rất giỏi. Có lẽ vì vậy, việc viết truyện kiếm hiệp trở thành một cái gì đó rất tự nhiên trong ông. 

Quá trình thẩm thấu ngược khi viết các tác phẩm

 Nhà văn Ưu Đàm Hoa chia sẻ, sau một thời gian dài, những gì ông viết dạy ngược lại cho ông. Ông tâm sự: ‘’Nhân cách chú mỗi ngày mỗi khá hơn, và chú phải sống làm sao để xứng đáng với những gì mình đã cưu mang, sáng tác.’’ 
Ông kể, ngày xưa ông rất nóng nảy, thô lỗ, nhưng sau khi viết truyện rồi, ông tự hỏi tại sao mình tệ như vậy được. Các nhân vật ông tạo ra có ai như vậy đâu. Quan niệm ‘’văn dĩ tải Đạo’’ chính là như vậy. Văn có thể hàm chứa, dạy người ta cái Đạo. Ông đã đem những tư tưởng của Tam Giáo vào trong tác phẩm của mình. Và ngược lại, chính những gì ông viết đã làm thay đổi ông. Ông trở nên gần gũi, hiền hòa hơn rất nhiều. 
‘’Xưa trước khi viết truyện chú khá hẹp hòi. Nhưng sau khi viết truyện, tới giờ không thể nói là thay đổi quá, quá thì không thể nào viết được như vậy. Nhưng mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Nhất là khi về già, mình nghiền ngẫm lại cuộc đời, mình nên sống và xứng đáng hơn với những gì mình tạo ra. Ngay cả chú lên facebook, nhiều khi viết cái gì chú cũng phải suy nghĩ lại mình là ai, không thể để người ta nói Ưu Đàm Hoa cà chớn được. Chú phải giữ tư cách của mình, vì cái này ảnh hưởng tới rất nhiều người, những người hâm mộ chú chẳng hạn’’. 

Ai là người thích truyện kiếm hiệp

Không phải ai cũng thích truyện kiếm hiệp, nhất là trong thời đại này. Tuy nhiên, có những người có thể nói từ trong dòng máu của họ, họ đã rất thích truyện kiếm hiệp. 
Truyện kiếm hiệp dành cho những người mơ mộng, tâm hồn họ phóng khoáng và bay bổng mới thích thể loại này. Truyện kiếm hiệp là thể loại hư ảo, hư cấu nhưng nó hướng đến cái toàn mỹ, giúp người ta quên đi thực tại nhớp nháp, quên đi cuộc đời đầy vất vả khổ đau, những điều khó khăn bất như ý.

Khi bạn đọc truyện kiếm hiệp, bạn có thể tìm thấy trong đó có nét giống mình, và mình cũng muốn sống như vậy. Đây là điều mà nhiều độc giả từng chia sẻ khi đọc truyện của Ưu Đàm Hoa. Trong trải nghiệm của nhà văn, khi viết truyện và đọc lại tác phẩm của mình, ông thấy rằng ông có thể quên được cuộc đời, và tự hỏi mình có sống chết được như nhân vật chính không. Lúc nào bạn cũng có thể nhập tâm vào nhân vật chính không, để sống hết câu chuyện đó không?  Và thậm chí đọc xong, bạn phải đọc lại. Có những người đã đọc đi đọc lại truyện của Ưu Đàm Hoa 4, 5 lần. Có người đặc biệt hơn, họ thuộc lòng các tác phẩm của nhà văn Ưu Đàm Hoa. Một độc giả tâm sự: ‘’Đối với tôi, Ưu Đàm Hoa là toàn bộ thanh xuân của mình. Những gì tôi nghĩ, tôi làm sau này, chịu ảnh hưởng rất lớn từ các tác phẩm của ông’’.
(Tuyết Hồ Công tử)