Việt Nam chủ động đón “đại bàng” FDI
Việt Nam chủ động đón “đại bàng” FDI
(Xây dựng) – Niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố, Việt Nam được coi là điểm đến quan trọng trong trung và dài hạn trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.
Theo dòng vốn FDI vào Việt Nam, các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể về chất lượng. |
Đầu tư FDI vào Việt Nam có sự cải thiện về chất lượng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cả vốn đầu tư mới và điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ với các mức tăng tương ứng: 46,9% và 35%. Vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố, Việt Nam được coi là điểm đến quan trọng, trung và dài hạn trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc. Trong chuỗi cung ứng điện – điện tử, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố. Nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.
Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo dòng vốn FDI vào Việt Nam, các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể về chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Bên trong một nhà máy sản xuất điện tử Samsung. |
Đơn cử như hồi đầu tháng 7/2024, tỉnh Quảng Ninh vừa mới trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn để triển khai 2 dự án có tổng vốn 551 triệu USD. Theo đó, 2 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Sản phẩm giải trí thông minh được đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata) có diện tích 21,5 ha, tổng vốn 263,7 triệu USD, công suất thiết kế 4,18 triệu sản phẩm/năm và dự án Hệ thống thông minh tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Deep C) được đầu tư trên diện tích 12,4 ha, tổng vốn 287,2 triệu USD, công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.
Đây là những dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn mới, là các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh. Như vậy đến nay, tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới này đã đầu tư tổng số 5 dự án tại tỉnh với tổng vốn đạt gần 1 tỷ USD.
Cũng trong đầu tháng 7/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam và Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty LH. Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Thời gian hoạt động của dự án tính từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 11/9/2068. Tiến hành sản xuất thử nghiệm từ quý I/2025 đến quý II/2025; bắt đầu sản xuất chính thức từ quý III/2025 và đạt công suất tối đa từ quý IV/2035.
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Ðoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào cho biết, hiện nay, một số chuỗi sản xuất của Trung Quốc như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ… đã chuyển sang Việt Nam. Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn toàn cầu như Samsung, Apple cũng đặt nhà máy ở Việt Nam sau khi khảo sát tại những quốc gia cạnh tranh khác.
Nhiều doanh nghiệp FDI đang rót vốn vào Việt Nam. |
Trong xu thế chuyển dịch đó, Tập đoàn Quanta Computer Inc (Ðài Loan – Trung Quốc) quyết định xây dựng nhà máy sản xuất máy tính thứ 9 trên thế giới tại khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Ðịnh với quy mô vốn đăng ký 120 triệu USD, công suất 4,5 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn 1. Quanta Computer là một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp MacBook cho Apple.
Ðối với dòng đầu tư của Nhật Bản tuy có sự chững lại do đồng Yên mất giá nhưng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đánh giá nhiều doanh nghiệp nước này đang ấp ủ dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nổi lên là một quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ với nhiều dự án quy mô lớn thuộc tập đoàn Top 10 thế giới đang chuẩn bị triển khai.
Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định tiêu chí thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn này là hướng đến công nghệ cao, công nghệ mới, không tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Làn sóng đầu tư thứ tư dự kiến còn được bồi đắp bởi dòng vốn đầu tư của Mỹ khi rất nhiều đoàn doanh nghiệp đang khảo sát hệ sinh thái về chíp bán dẫn tại Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, nhiều đoàn doanh nghiệp châu Âu xúc tiến đầu tư vào Việt Nam và rất quan tâm đến chiến lược tăng trưởng xanh, hiện thực hóa cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.