Việt Nam có thể thành nhà cung ứng linh kiện điện tử cho cộng đồng Pháp ngữ
Việt Nam có thể thành nhà cung ứng linh kiện điện tử cho cộng đồng Pháp ngữ
Đây là chia sẻ của giáo sư Pierre Fenies đến từ Đại học Paris Panthéon Assas tại Diễn đàn Một Việt Nam Toàn cầu (One Global Vietnam 2024) tổ chức ở Paris, Pháp. Diễn đàn do Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức nhân dịp Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.
Giáo sư Pierre Fenies phân tích sự thay đổi trong chuỗi logistics theo thời gian và vai trò tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chuỗi cung ứng là quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tới khách hàng.
Về mặt lịch sử, chuỗi cung ứng mang tính chất địa phương hơn nhưng đến thập niên 1980 và 1990, chuỗi cung ứng chuyển sang xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, giáo sư Pierre Fenies cũng chỉ ra trong một sản phẩm, có những thành phần mang tính toàn cầu nhưng cũng có những thành phần mang tính địa phương, đồng thời đặt câu hỏi liệu có thể tạo ra chuỗi hậu cần địa phương trong cộng đồng Pháp ngữ.
Đối với Việt Nam, ông Pierre nhìn nhận vai trò then chốt trong sản xuất linh kiện điện tử. Việt Nam đã phát triển trong lĩnh vực này nên có thể trở thành nhà cung cấp quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ.
Nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam như một mô hình đổi mới trong chuỗi cung ứng, chuyên gia này gợi ý Việt Nam nên tập trung vào việc tái sử dụng và tái chế các linh kiện để tạo ra điện thoại di động mới. Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang các mô hình logistics bền vững và có thể xuất khẩu, không chỉ ở châu Phi mà còn ở châu Âu.
“Sự nhanh nhẹn và khả năng thích ứng cho phép Việt Nam phát minh ra các mô hình chuỗi cung ứng địa phương, điều mà các nước phát triển cứng nhắc hơn khó có thể làm được”, theo giáo sư Pierre Fenies.
Trong khi đó, ông Matteo Dominici, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Merja Zarka nhấn mạnh sự hợp tác giữa các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Ông gợi ý rằng Việt Nam, quốc gia xuất sắc trong các lĩnh vực này, có thể chuyển giao kiến thức chuyên môn của mình sang các nước châu Phi như Maroc hay Senegal, những nơi có nhu cầu tương tự.
Về kinh tế, ông Matteo Dominici đánh giá các khu kinh tế đã giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khoảng 15 tỉ USD, và mô hình này có thể áp dụng cho các quốc gia ở châu Phi để kích thích phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Cũng theo chuyên gia này, tài chính bền vững và các công nghệ mới sẽ đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế các nước nói tiếng Pháp, nhất là các quốc gia đang phát triển và châu Phi.
Cần hỗ trợ thuế cho công ty khởi nghiệp
Cũng liên quan đến tài chính, bà Emmanuelle Dubocage, giáo sư Đại học Paris Est Créteil cho rằng tài chính vi mô có thể thành một động lực thúc đẩy hòa nhập kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Với sự phát triển của công nghệ di động, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính không còn bị giới hạn bởi yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng truyền thống. Hiện nhiều người có thể sử dụng điện thoại di động để tiếp cận tài chính vi mô.
Đối với cộng đồng Pháp ngữ, bà Emmanuelle Dubocage đánh giá các tổ chức tài chính vi mô rất cần thiết để cung cấp các khoản vay với lãi suất phải chăng và hỗ trợ các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ, nhất là ở khu vực châu Phi.
Trao đổi về việc đánh thuế các công ty công nghệ, bà Trang Fernandez – Leenknechk, người sáng lập Holistak, luật sư thuế quốc tế (Thụy Sĩ) phân tích với công nghệ, một công ty có thể có các nhà phát triển ở một quốc gia, khách hàng ở một quốc gia khác trong khi đưa ra quyết định ở một quốc gia khác.
Mô hình này đặt ra những thách thức trong việc xác định nơi doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế, đặc biệt trong trường hợp không có hiện diện thực tế nhưng có hoạt động kinh tế đáng kể.
Trong bối cảnh hiện nay, bà Trang Fernandez – Leenknechk cho rằng cần có chính sách hỗ trợ thuế phù hợp cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ định hướng hoạt động. Lý do, hiện các công ty khởi nghiệp do quy mô và nguồn lực hạn chế thường ít được hỗ trợ về vấn đề thuế, khiến họ gặp phải rủi ro thuế không tự nguyện.