Viết, viết và viết

Tháng sáu 26, 2024

Lời mở đầu

Không biết là một sự trùng hợp vô tình hay là một dòng nước triều đang lên. Trên spiderum tuần vừa qua, thật có nhiều người lên bài nói về việc viết. Là một cây viết (tự phong), tôi thấy có lẽ mình cũng có một vài điều gì đó để nói.

Đến là duyên

Khoảnh khắc đầu tiên trong cuộc đời tôi tự nguyện muốn dùng cây bút, từ ngữ và trí tưởng tượng của mình để tạo ra một cái gì đó tôi có thể chắc chắn là khi tôi còn là một cậu bé lớp 5. Là một đứa trẻ mười tuổi còn chưa hiểu nổi khái niệm kiêu ngạo là gì, tôi tự thách thức bản thân mình viết ra một cái kết mới cho câu chuyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Và đó là cách tôi bắt đầu viết.
Khi có bất cứ một “cây bút trẻ” nào đến gặp tôi và xin một vài lời khuyên, tôi đều tặng cho họ một lời rằng:
“Người ta chỉ nổi hứng viết vào những năm tháng đẹp nhất, trẻ nhất, sôi nổi nhất của đời người.”
Tuổi trẻ của tôi có ba thứ: thời gian, mơ mộng và sự cô đơn. Ba thành tố chính kể trên đã cùng nhau phản ứng, tạo ra một chất xúc tác, keo dính tôi với việc viết. Tôi đã viết rất hăng say: trên lớp học với một quyển vở nhỏ đặt dưới cuốn vở ghi toán, với cái đầu bổ làm đôi, đôi tai chia làm hai và đôi tay thì vội vàng như chạy hỏa hoạn. Khi không viết được, tôi thả cho tâm trí mình đi khai lượm những mảnh vỡ, những chất liệu tại khu vườn mộng mơ để đến khi cây bút lại ở trong tay, từ ngữ có thể tuôn chảy không ngừng.

Đi tiếp với nhau là nợ

Những bản nhạc “trending” rồi cũng sẽ đến lúc không còn “nóng”. Người ta yêu nhau còn tới lúc chia xa. Với thơ với văn, lúc đầu hóa ra tôi chỉ là một người khách lạ. Xuân đi, hoa hết, có điều gì níu lại chân ta?
Sau khi lên cấp 2, tôi bỏ viết. Tôi đã bỏ những thứ mình tưởng quen. Câu chuyện đầu tiên tôi lên kế hoạch, cuối cùng bị bỏ xó, buồn rầu úa vàng. Bỏ cây bút xuống, khóa lại miền mơ mộng, tôi không thấy mình mất đi gì cả, hoặc là việc học hành đã choán lấy mọi suy tư của tôi.
Nhưng vẫn như lần đầu tiên: thời gian, mơ mộng và sự cô đơn – “ba chàng lính ngự lâm” kia lại kéo tôi lên ngựa, rong ruổi tiếp trên con đường viết lách. Điều khác là, lần này tôi lên đường là một tôi đã khác. Đó là một tôi trưởng thành hơn, u buồn hơn và bắt đầu thấy những khoảng xám, khoảng tối của cuộc đời.
Con người không giống như loài chim. Loài chim chỉ cần được ủ ấp, được cho ăn thế là đã có thể tung cánh bay đi ngàn chân trời. Được lo ăn, lo uống thôi không khiến ta trở thành con người. Chúng ta tìm thấy phần “người” của mình qua đâu? Qua lời hát ru. Qua tiếng trầm giọng cha, cung thanh giọng mẹ. Qua bạn, qua bè. Qua thầy, qua cô. Qua sách vừa mở, qua vở vừa đóng…
Tôi tìm thấy mình qua cây viết!
Tôi viết và tôi suy nghĩ. Tôi hóa thân vào những kiếp người mà tôi không bao giờ trải qua. Khi tôi già, lúc tôi trẻ. Khi tô môi son, khi điểm gươm sáng. Và rồi ở đó, tôi thấy sống, thấy chết, biết khổ, biết đau, rõ cười, hay khóc… Quả thật giống như cách mà một ai đó đã nói: “… người đọc sách sống ngàn cuộc đời.”
Và tôi không biết từ khi nào, nơi cây bút đã là nơi tôi ngồi xuống, tâm sự, soi lấy mình, tìm kiếm những lời khuyên
Tôi đã viết: “Tha thứ là quyền của kẻ mạnh.” Tôi nhận đó là triết lý sống của đời mình. Tôi đày ải một hóa thân của mình, trong một kịch bản tàn nhẫn nhất tôi có thể tưởng tượng ra, và sau cơn điên loạn cắn xé vào máu thịt, tôi đã có thể bình tĩnh, tìm thấy một tia sáng để cứu rỗi cho nhân vật (và có lẽ là cho chính mình). Tôi đã thấy mình may mắn khi có một nơi để tôi chôn cất sự phẫn uất của đời mình, rồi gặt hái từ mảnh đất tang thương đó những mầm xanh của hy vọng.
Và viết đã cho tôi nhiều hơn thế…
Nói chuyện với mấy đứa em ngành viết, tôi vẫn thường đưa ra một phép tính đơn giản: 12 năm học văn giáo dục phổ thông tính cả ngày nghỉ, trung bình một ngày chúng ta chỉ học 1 tiếng viết văn. Nhưng nếu đã coi văn là cái nghiệp thì có thể ngày viết 6-8 tiếng. Như vậy nếu nghiêm túc với văn, chỉ cần hai năm viết đã hơn hẳn 12 đi học.
So với bạn học của mình, tôi viết nhiều hơn tất cả! Do đó, tôi huy động từ ngữ thành thạo hơn bạn bè của mình nhiều. Không chỉ trong văn viết, lời nói của tôi cũng trở nên “gọn gàng”, “văn vẻ”, “dễ đi vào lòng người”.
Tôi có được những khả năng đó đơn giản vì tôi viết nhiều, chứ không phải vì tôi giỏi hơn ai. Phải nói đúng hơn rằng tôi không có nhiều tài năng với việc viết, bởi lẽ sau hơn mười năm viết lách tôi vẫn là một gã vô danh cù lần.
Tuy chỉ là một gã vô danh cù lần trong ngành viết, ít nhất có một điều tôi có thể cảm nhận được:
“TÔI NỢ VIỆC VIẾT.”
Và đó là lý do tôi vẫn, đang và sẽ viết tiếp.

Kết

Danh vọng, tiền tài là điều tốt, nhưng khi viết, tôi cầu được một thứ còn quan trọng hơn tất cả: một tâm hồn bình yên.

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.