Vĩnh Phúc nỗ lực thu hút đầu tư FDI

Tháng sáu 20, 2024

Vĩnh Phúc nỗ lực thu hút đầu tư FDI

(Xây dựng) – Dòng vốn FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu suy giảm. Thực tế này cho thấy, Vĩnh Phúc vẫn là địa phương có sức hấp dẫn trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài và phản ánh rõ nét môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh.

Vĩnh Phúc nỗ lực thu hút đầu tư FDI
Vĩnh Phúc điểm đến của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI, nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho tỉnh… Nhờ đó, hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Tính đến ngày 15/5/2024, trên địa bàn tỉnh cấp mới cho 22 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 154,2 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc, 4 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan, 4 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc và 5 dự án từ các nhà đầu tư khác. Chia theo ngành, lĩnh vực có 20 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và 2 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ.

Cùng với dự án cấp mới, từ đầu năm đến nay có 19 lượt dự án thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 259,8 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vốn 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 414 triệu USD tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế trên địa bàn tỉnh có 472 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng do xung đột quân sự trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia và áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã ảnh hưởng đến các hoạt động mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, nhất là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngày càng tăng trong điều kiện nhiều dự án FDI lớn đi vào hoạt động. Việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, các dự án lớn của nhà đầu tư chiến lược và chuyển giao công nghệ còn chậm chưa tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, chậm được khắc phục, chưa bố trí đủ đất cho nhà đầu tư hạ tầng triển khai dự án và giao đất cho các dự án quy mô lớn như đã cam kết.

Ngoài ra, sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật cũng là một rào cản khi nhà đầu tư tiếp cận và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Các ngành Công nghiệp do các dự án FDI tạo ra hiện nay chủ yếu là công nghiệp lắp ráp, ít có công nghiệp chế tạo, chưa tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao nên hạn chế trong việc liên kết, thúc đẩy sản xuất trong nước. Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các tỉnh, thành trong cả nước đã ảnh hưởng đến các hoạt động mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Gỡ những nút thắt trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030… Trong đó, xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp với 40 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể giao trực tiếp cho các cơ quan thực hiện, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Trước mắt, tỉnh sẽ “đi tắt, đón đầu” các nhà đầu tư chiến lược. Nghiên cứu xây dựng danh mục nhà đầu tư chiến lược cần tập trung xúc tiến đầu tư trước mắt và trung hạn theo các định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực ôtô, xe máy, máy tính, bán dẫn, thiết bị và linh kiện điện tử, điện thoại, pin điện công suất cao, dược phẩm và trang thiết bị y tế. Tổ chức các hoạt động tiếp xúc để kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang có kết nối về sản xuất, gia công, cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp có công nghệ nguồn, công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng máy tính, bán dẫn, thiết bị và linh kiện điện tử, điện thoại, pin điện công suất cao được sử dụng công nghiệp ôtô hoặc lưu trữ năng lượng…

Bên cạnh đó, lập quy hoạch, xây dựng đề án về phát triển thêm khu công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này; nghiên cứu Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể chuẩn bị về đất sạch sẵn sàng cho các nhà đầu tư chiến lược có thể triển khai dự án đầu tư trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đồng thời, củng cố hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Nghiên cứu để rút gọn các thủ tục, quy trình hành chính để có thể giải quyết nhanh, gọn các đơn xin phép đầu tư và các yêu cầu, kiến nghị khác của nhà đầu tư đối với tỉnh Vĩnh Phúc. Xây dựng lại hệ thống thông tin về nhu cầu thu hút đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư, các ưu đãi đầu tư và những lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, bao gồm hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện. Đồng thời, xây dựng phần mềm theo dõi giám sát và cải thiện kết quả thu hút đầu tư chiến lược và chuỗi cung ứng toàn cầu (Dashboard)…

Với những kế hoạch, giải pháp được đề ra thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục khởi sắc, với dòng vốn chất lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh, củng cố vị thế là một trong những địa phương trọng điểm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội về kinh tế và thu hút đầu tư.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com