Vụ bé trai rơi xuống bể cá thoát nạn: Xây hồ bơi, bể cá sao cho an toàn?
Vụ bé trai rơi xuống bể cá thoát nạn: Xây hồ bơi, bể cá sao cho an toàn?
Mới đây, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc bé trai vẫy vùng, thoát chết trong gang tấc khi rơi xuống bể cá khi người chị kịp chạy kêu người lớn đến được đăng tải lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, vụ việc 2 bé gái chẳng may đuối nước trong bể bơi tại Quảng Ninh, khiến một cháu tử vong, một cháu đang điều trị khiến nhiều người bàng hoàng.
Chị Thu Hằng (quê ở H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng), mẹ của bé trai trong clip rơi xuống bể cá đã quyết định thanh lý để đảm bảo an toàn. Bể cá sâu khoảng 1,4 m. Dù chồng rất thích nuôi cá Koi nhưng vì không muốn con gặp nguy hiểm nên sẽ không nuôi nữa. Từ khi xảy ra vụ việc, chị trông con cẩn thận hơn, không dám để con một mình ở gần hồ bơi, bể cá. Khi xem các clip, nhiều người cho rằng, nếu xây hồ bơi, bể cá nhưng không đảm bảo các biện pháp an toàn sẽ trở thành mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Chia sẻ với Thanh Niên, TS.KTS Phạm Thị Ái Thủy, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho hay, cây xanh, mặt nước từ lâu đã là yếu tố cảnh quan không thể thiếu trong thiết kế sân vườn từ công trình dân dụng đến công trình công cộng.
Sự phát triển và áp lực của đô thị hóa khiến nhiều người muốn thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Yếu tố nước trong cảnh quan nội, ngoại thất công trình cũng thể hiện sự phát triển về chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Tuy nhiên, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng cần được thực hiện một cách đúng đắn.
Bà Thủy cho biết, hiện chưa có các tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết xây dựng trong cảnh quan ngoài trời nên việc thực hiện hầu như phụ thuộc vào quan điểm của người sở hữu công trình và kinh nghiệm của nhà tư vấn.
“Hoạt động chơi nước trong khu vực hồ bơi sẽ khác với ở phố đi bộ (nơi tập trung lượng người đa dạng về độ tuổi). Nếu chơi nước ở hồ bơi độ sâu từ 0,4 – 1,2 m cần phải luôn có người trông coi còn ở phố đi bộ mọi người có thể chạy nhảy, làm ướt người mà không gặp vấn đề về mực nước sâu mất an toàn. Đây là minh chứng cho sự an toàn trong không gian cảnh quan là điều bắt buộc cần được thực hiện trong quá trình tư vấn từ đó giảm bớt các nguy cơ tiềm ẩn cho con người”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng đưa ra những lưu ý về diện tích, độ sâu… cho hồ bơi, bể cá để đảm bảo nhu cầu của gia đình và an toàn cho trẻ em. Người dân cần phân rõ 2 dạng là công trình công cộng và công trình nhà ở.
Đối với công trình công cộng cần bảo đảm an toàn về độ sâu của bề cá hoặc hồ cảnh, độ sâu không quá 30 cm. Với độ sâu như vậy mọi người hoàn toàn có thể trồng, chăm sóc các loài động thực vật phù hợp. Trường hợp muốn có mặt nước có độ sâu hơn từ 50 cm đến dưới 1m cần có khoảng cách an toàn hoặc hàng rào ngăn cách vì đây là độ sâu nguy hiểm.
Đối với công trình nhà ở cần có ngăn cách với khu vực có mực nước sâu trên 30 cm. Ngăn cách có nhiều giải pháp về mặt vật liệu như hệ lan can bằng kính, gỗ, thép hoặc dùng “cảnh quan mềm” như cây xanh tạo ra vùng ngăn cách an toàn cho trẻ và định hướng các khu vực có thể tiếp cận.
“Tính chất công trình càng riêng tư thì độ an toàn càng phải đảm bảo để hạn chế tối đa những rủi ro. Ngoài ra cũng cần có sự định hướng và giáo dục cho trẻ về các mối nguy hiểm có thể xảy ra”, bà Thủy nói.
Bạn đang đọc Vụ bé trai rơi xuống bể cá thoát nạn: Xây hồ bơi, bể cá sao cho an toàn? tại website hungday.com