Vụ billiards Việt Nam bị cấm thi đấu: ACBS có quyền áp đặt lệnh phạt hay không?
Vụ billiards Việt Nam bị cấm thi đấu: ACBS có quyền áp đặt lệnh phạt hay không?
Theo lệnh đình chỉ này, tất cả các cán bộ và VĐV của VBSF không được phép tham dự, tham gia hoặc tổ chức bất kỳ giải đấu billiards, sự kiện hay hoạt động nào liên quan đến môn billiards và snooker ở châu Á hay quốc tế, bao gồm cả các đại hội thể thao của châu Á (như Indoor Games và SEA Games).
ACBS có quyền áp đặt lệnh phạt như vậy tại Việt Nam hay không? Ông Cho Hyun-jae, Tổng giám đốc Quỹ khuyến khích thể thao Hàn Quốc đã chia sẻ một số quan điểm xung quanh vấn đề nóng của thể thao Việt Nam.
ACBS không nên làm hai điều
Ông Cho Hyun-jae nói: “Hệ thống thể thao của bất kỳ quốc gia nào bao gồm hai chính sách chính: hỗ trợ phát triển nghiệp dư và kích hoạt thể thao chuyên nghiệp. Chỉ áp dụng một trong hai chính sách, sẽ cản trở, khiến hệ thống thể thao của quốc gia đó không thể đạt đến tiêu chuẩn thế giới tiên tiến.
Các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực thể thao hỗ trợ và khuyến khích cả hai hệ thống. Để nâng cao thể thao Việt Nam lên tiêu chuẩn thế giới, việc nuôi dưỡng cả hai hệ thống cùng một lúc là điều cần thiết. Vì vậy, ACBS không nên thực hiện 2 điều.
Thứ nhất là không nên gây áp lực lên Sở VH-TT Hà Nội – đơn vị đã cấp phép cho Hanoi Open Pool Championship – vì điều này là sự can thiệp không chấp nhận được vào công việc nội bộ.
Thứ hai, ACBS không nên cố gắng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc tổ chức các giải đấu billiards chuyên nghiệp. Điều này không cần thiết và cản trở sự phát triển của billiards Việt Nam cũng như tiến bộ của tất cả các VĐV. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tích cực khuyến khích các VĐV chuyên nghiệp tham gia vào thế vận hội. Ví dụ, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp được mời tham gia theo hệ thống thẻ vị trí tự do (suất đặc cách) cho phép mỗi quốc gia có 2 VĐV”.
Nói thêm về billiards, ông Cho Hyun-jae chia sẻ: “Billiards trên toàn thế giới được chia thành hai hạng mục: nghiệp dư và chuyên nghiệp. Trong đó, snooker được đại diện bởi IBSF (nghiệp dư) và WPBSA (chuyên nghiệp); pool được đại diện bởi WPA (nghiệp dư) và WNT (chuyên nghiệp); carom được đại diện bởi UMB (nghiệp dư) và PBA (chuyên nghiệp).
Các hiệp hội chuyên nghiệp như WPBSA, WNT và PBA cung cấp tiền thưởng cao hơn nhiều, phủ sóng truyền hình nhiều hơn và nhiều cuộc thi đấu hơn so với các đối tác nghiệp dư của họ. Như các môn thể thao khác, VĐV billiards luôn cố gắng cải thiện kỹ năng, đăng ký chuyên nghiệp, giành chiến thắng trong các cuộc thi và đạt được cả tiền bạc lẫn uy tín”.
IOC rất khó ủng hộ lệnh trừng phạt VBSF
Trước câu hỏi: “Xung đột lợi ích giữa các tổ chức nghiệp dư và chuyên nghiệp có phải luôn ảnh hưởng tới quyền lợi của VĐV như VĐV billiards Việt Nam đang sắp phải gánh chịu nếu ACBS thực hiện chính thức lệnh phạt với VBSF?”.
Ông Cho Hyun-jae nói: “Hãy cùng xem xét kỹ lưỡng hơn về golf, tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa PGA Tour đã được thiết lập và tổ chức chuyên nghiệp mới, LIV Golf. Sau 2 năm cạnh tranh quyết liệt, xung đột đã đột ngột kết thúc khi LIV Golf mua quyền hoạt động từ PGA Tour. Việc mua bán này đã dẫn đến sự tồn tại cùng lúc của LIV Golf và PGA Tour.
Giờ đây, các VĐV có quyền tự do lựa chọn giữa 2 tổ chức mà không gặp bất kỳ hình phạt nào, và có khả năng một số VĐV sẽ tham gia các sự kiện do cả 2 đơn vị này tổ chức. Giải pháp này, đạt được thông qua đàm phán mà không cần sự can thiệp của chính phủ hay IOC.
Ngay cả trong thời gian tranh chấp, không bên nào đe dọa ngăn cản sự tham gia vào các sự kiện mà đối thủ tổ chức, hay tìm kiếm các biện pháp trừng phạt pháp lý. Với sự xuất hiện của LIV Golf, thị trường golf toàn cầu đã mở rộng, làm tăng đáng kể lợi ích tài chính cho các golf thủ.
Tương tự, môn billiards đang phát triển và điều quan trọng là sự phát triển này không bị cản trở bởi những lệnh trừng phạt không cần thiết hoặc đe dọa. Quyết định của ACBS trừng phạt VBSF và ngăn cản phía Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế trong 6 tháng đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính pháp lý”.
Ông Cho Hyun-jae cung cấp thêm thông tin: “Rất khó có khả năng IOC sẽ ủng hộ hoặc chấp nhận những quyết định đưa ra lệnh phạt như vậy từ phía ACBS. Sự đối xử phân biệt này dường như là trường hợp ngoại lệ chỉ hướng vào Việt Nam. Quyết định cấm VĐV Việt Nam thi đấu quốc tế của ACBS không chỉ phản ánh không tốt về quản trị của ACBS mà còn làm nổi bật sự thiếu sót nghiêm trọng trong việc quản lý công bằng giữa các quốc gia thành viên. Việt Nam hiện đã đến một thời điểm thuận lợi để áp dụng một hệ thống thể thao tiên tiến và điều quan trọng là phải nắm bắt cơ hội quan trọng này”.
Bạn đang đọc Vụ billiards Việt Nam bị cấm thi đấu: ACBS có quyền áp đặt lệnh phạt hay không? tại website hungday.com