Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn

Tháng bảy 31, 2024

Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn

Các ông lớn mâu thuẫn, VĐV lãnh đủ 

Cụ thể, các giải billiards đã được tổ chức tại Hà Nội vào năm ngoái, cũng như sắp được tổ chức trong năm nay, thuộc hệ thống các giải Pool 9 bi thế giới (World Nineball Tour – WNT), hệ thống này đối lập với hệ thống các giải đấu của Hiệp hội Pool thế giới (WPA), Liên đoàn Billiards thế giới (UMB) và Liên đoàn Billiards và Snooker quốc tế (IBSF). 


Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn - Ảnh 1.

Tay vợt nổi tiếng Trần Đức Minh

 Liên đoàn Billiards thể thao châu Á (ACBS) chính là thành viên của WPA, UMB và IBSF. Thế nên, họ ra văn bản đình chỉ các VĐV thi đấu ở các giải đấu thuộc hệ thống do ACBS quản lý, thực chất là thay mặt WPA, UMB và IBSF cảnh cáo hệ thống đối lập WNT.

Chỉ có điều ACBS đang nắm trong tay quyền điều hành các giải billiards ở những đại hội thể thao phổ cập với người Việt Nam như SEA Games, AIMAG (Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á), nên thiệt hại của các cơ thủ Việt Nam khi bị ACBS ra lệnh đình chỉ hoạt động có thời hạn, hơi lớn. 


Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn - Ảnh 2.

Bao Phương Vinh

Ở đây, có thể hiểu rằng ACBS chỉ không cho phép các VĐV đã tham dự các giải đấu thuộc hệ thống đối lập với hệ thống của họ (WNT) tham dự các giải đấu mà họ tổ chức trong thời gian 6 tháng tới đây (từ ngày 13.6.2024 – 12.1.2025), chứ ACBS không có quyền cấm giới billiards Việt Nam thi đấu bất cứ kỳ giải đấu nào, thuộc hệ thống nào. 

ACBS cũng không có quyền cấm các địa phương tại Việt Nam tổ chức các giải đấu theo mong muốn của ACBS, miễn là việc tổ chức các giải này nằm trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Thành ra, Sở VH-TT Hà Nội có lý khi thể hiện quan điểm, đơn vị này không  có lý do gì phải hủy giải Hà Nội Open Pool Championship, dự định tổ chức trong thời gian tới đây (dự kiến vào tháng 10). 

Phía ngành thể thao Hà Nội cũng không cần phải xin phép ACBS khi tổ chức giải đấu nêu trên hoặc bất cứ giải đấu nào khác, trên địa bàn Hà Nội. 

 Thực tế, chuyện mâu thuẫn giữa các hệ thống giải khác nhau trong môn billiards nói riêng và trong thế giới thể thao nhà nghề nói chung không hiếm, không phải chưa từng có tiền lệ. Ví dụ: trong môn billiards, cách nay 5 năm, xuất hiện Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp (PBA), với hệ thống các giải riêng. Hệ thống các giải do PBA tổ chức đối lập với hệ thống các giải cho UMB tổ chức. 

Thể thao chuyên nghiệp là để VĐV tự do lựa chọn sân chơi phù hợp nhất 

UMB ra thông báo sẽ cấm các VĐV 2 năm không được thi đấu ở các giải do UMB tổ chức, nếu họ chuyển sang hệ thống của PBA. Nhưng vẫn có người lựa chọn PBA, trong đó có một số cơ thủ rất mạnh của billiards Việt Nam như Ngô Đình Nại, Mã Minh Cẩm, Nguyễn Quốc Nguyện… Đấy là lý do mà những tay cơ này vài năm qua không xuất hiện ở đấu trường World Cup hay World Championship (những giải do UMB điều hành), dù ở sân chơi trong nước họ đủ sức đánh bại Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh.


Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn - Ảnh 3.

Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh có quyền lựa chọn giải đấu tham dự

Trong môn golf cũng vậy, vài năm gần nhất, hệ thống LIV Golf do các tỉ phú Ả Rập Xê Út sáng lập và điều hành ra đời. LIV Golf lập tức đe dọa thế độc tôn của hệ thống các giải thuộc PGA Tour và DP World Tour (hệ thống các giải do người Mỹ và châu Âu vận hành). PGA Tour lên tiếng sẽ trừng phạt các golfer: nếu golfer chuyển sang thi đấu tại LIV Golf, sẽ bị loại ở các giải thuộc hệ thống PGA Tour. 

Có người không muốn chuyển, nhưng có người khác vẫn chọn hệ thống mới LIV Golf, trong đó có cả những tay golf hàng đầu thế giới như Brooks Koepka (Mỹ, cựu số 1 thế giới), Jon Rahm (Tây Ban Nha, cựu số 1 thế giới), Phil Mickelson (Mỹ, người giữ kỷ lục là golfer cao tuổi nhất từng giành danh hiệu major, tương đương với tính chất danh hiệu Grand Slam trong môn quần vợt)… 

Ở đây có thể thấy, hệ thống giải đấu nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi (đi kèm với lợi nhuận) của mình, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các VĐV lựa chọn ra sao? Hãy tôn trọng các VĐV, họ có quyền chọn lựa thi đấu ở hệ thống mà họ cho rằng tốt nhất đối với họ, về chuyên môn, về tài chính… 

Ví dụ như câu chuyện tiền thưởng, 5 năm qua, tiền thưởng cho ngôi vô địch World Cup billiards carom 3 băng thuộc hệ thống UMB vẫn giữ nguyên mức 22.000 USD (hơn 555 triệu đồng), trong khi tiền thưởng cho ngôi vô địch PBA Tour 2024 lên đến 146.000 USD (khoảng 3,7 tỉ đồng), tức chênh lệch đến… 6, 7 lần. 

 Vì vậy, hãy để các VĐV lựa chọn, không ai có quyền cấm họ đứng ở sân chơi nào, cũng không nên cấm, đặc biệt khi bản chất của vấn đề nằm ở việc mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế của các hệ thống thi đấu quốc tế, chứ bản thân VĐV, HLV và nhà tổ chức các giải đấu ở trong nước không làm gì sai!


Bạn đang đọc Vụ châu Á phạt billiards Việt Nam: Hãy tôn trọng và để VĐV được lựa chọn tại website hungday.com