Xác định giải pháp để 5 huyện ở Thủ đô “tăng tốc” lên quận

Tháng mười một 1, 2024

Xác định giải pháp để 5 huyện ở Thủ đô “tăng tốc” lên quận

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND (ngày 23-9-2021) của HĐND thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, các ngành, địa phương đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là mục tiêu 5 huyện phấn đấu lên quận.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2024, HĐND thành phố sẽ giám sát về nội dung này ở các đơn vị, trong đó có 2 huyện Hoài Đức và Thanh Trì, qua đó xác định giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu trên.

Xác định giải pháp để 5 huyện ở Thủ đô “tăng tốc” lên quận
Hạ tầng cơ sở khang trang, đồng bộ tại xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Tiếp tục tập trung hoàn thành các tiêu chí

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND của HĐND thành phố, 5 huyện, gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng rất chú trọng đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí thành lập quận, xã thành phường, làm cơ sở cho việc lập Đề án thành lập quận, phường, thực hiện các quy trình, thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, đến nay, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn đầu tư, xây dựng phát triển để lập Đề án thành lập quận, phường. Các huyện còn lại đang trong thời điểm rà soát, đánh giá và công nhận trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện đã chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, các xã, thị trấn thành phường. Đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất thành phố xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền…”.

Theo đó, công tác đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận được chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, qua rà soát, huyện đã đạt 27/31 tiêu chí. Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt 5/6 tiêu chí; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 9,24% (mức yêu cầu bình quân của thành phố là 5,3%); tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất đạt 0% (mức yêu cầu bình quân của thành phố là 0,12%); tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 94,4% (yêu cầu là 90%). Với nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, huyện Hoài Đức đạt 22/25 tiêu chí, trong đó tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100% (mức yêu cầu là 90%); đất xây dựng các công trình dịch vụ – công cộng đô thị bình quân đầu người đạt 4,16m2/người (mức yêu cầu là 4m2/người)…

Còn Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong thông tin, sau khi Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận được thành phố phê duyệt (tháng 10-2019), huyện đã chủ động xây dựng các kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ và huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng. Đến nay, huyện đã đạt 30/31 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu – chi ngân sách.

Thời gian tới, Thanh Trì sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế; huy động, khai thác tối đa các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách. Đồng thời, tổ chức quản lý, điều hành chi ngân sách bảo đảm giữ vững cân đối thu – chi, tiến tới nâng dần tỷ lệ tự cân đối thu – chi ngân sách theo tiêu chuẩn quận. Cùng với đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tổ chức triển khai các dự án, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt ở mức cao nhất…

Dự kiến đến năm 2025, huyện Thanh Trì sẽ cơ bản hoàn thành và vượt 17/17 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch…

Giám sát để tìm giải pháp khắc phục khó khăn

Theo Văn bản số 233/KH-UBND ngày 6-8-2024 của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện thành quận, thành phố đã lưu ý các huyện Thanh Trì và Hoài Đức, cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ công tác đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư xây dựng các công trình, dự án bảo đảm hoàn thành tiêu chí, phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV-2025.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, về nhóm tiêu chuẩn “Diện tích tự nhiên” và “Quy mô dân số”, cả 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đều đạt tiêu chí thành lập quận. Tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường thì cả 2 huyện đều chưa đạt. Tương tự, nhóm tiêu chuẩn “Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội” và “Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, 2 huyện cũng đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Nghị quyết số 20/NQ-HĐND của HĐND thành phố đặt mục tiêu: “Xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực;… đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị…”. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện các huyện vẫn còn nhiều khó khăn về các chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ nước thải làng nghề được xử lý; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu dân cư tại một số xã còn chậm…

Những tồn tại, hạn chế này đã được HĐND thành phố nắm bắt, từ đó làm rõ nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới tại đợt giám sát về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND.