Xây dựng chính sách ràng buộc để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Tháng mười 3, 2024

Xây dựng chính sách ràng buộc để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

(Xây dựng) – Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, tới đây, cùng với tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế để trong quá trình thu hút đầu tư sẽ có ràng buộc với doanh nghiệp nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Xây dựng chính sách ràng buộc để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. (Ảnh minh họa)

Vai trò của địa phương rất lớn

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tham gia khá sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Đơn cử, tại Bắc Ninh, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu phục vụ các lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng với tư cách là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3, dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển năng lực khoa học công nghệ… để bảo đảm chất lượng sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả này có được một phần nhờ mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu. Một phần khác là bởi các cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đã không ngừng được hoàn thiện.

Tại Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” diễn ra mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, đến nay, nhìn chung, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã tương đối hoàn thiện. Theo đó, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng nhiều chính sách ưu đãi. Năm 2017, Chính phủ ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 – 2025. Hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị tổng kết và đề xuất kéo dài chương trình đến năm 2035. Ngoài ra, các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng nằm trong nhiều luật có liên quan về đầu tư, thuế…

Đặc biệt, vai trò của các địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ rất lớn. Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, tại nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp hỗ trợ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang… cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy ngành này, tập trung vào hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu… Ngoài ra, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách cho dự án ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, được vay vốn và cấp bù lãi suất.

Nhờ triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp các ngành nâng cao tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên vật liệu. Cụ thể, ngành dệt may, da giày hiện tự chủ 30 – 45%; lĩnh vực cơ khí chế tạo tự chủ nguyên liệu đạt 30%; tỷ lệ nội địa hóa ô tô cũng nâng dần…

Việt Nam cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI vệ tinh đi theo những tập đoàn lớn đến tham gia đầu tư để được hưởng các ưu đãi về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, qua đó đóng góp cho sự phát triển của địa phương và cả nước.

Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực

Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, nhiều địa phương vẫn còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Hiện, chưa có nhiều địa phương chủ động xây dựng, ban hành thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế; trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương…

Mặt khác, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, bộ máy làm phát triển công nghiệp tại các địa phương vẫn chưa được coi trọng, số lượng còn rất mỏng, điều này cũng làm hạn chế đến sự phát triển của ngành.

Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đa phần có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Điểm yếu của các doanh nghiệp này là thường không có kế hoạch sản xuất, mà chủ yếu phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Cũng bởi thế, tài sản của các doanh nghiệp này thường rất nhỏ, nên rất khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Lê Khắc Bảo, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hải Phòng bổ sung, bên cạnh khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về công nghệ, thiết bị, công tác quản trị. Về cơ bản, các doanh nghiệp chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên rất khó tham gia được vào chuỗi giá trị. Chưa kể, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu. Đây là những rào cản khiến doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển.

Bộ đang đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng như tại Luật Phát triển công nghiệp (mới đổi tên thành Luật Sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) các chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như vấn đề tín dụng…

Nhấn mạnh vai trò của các địa phương rất lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh đề nghị, tới đây, trong chính sách thu hút đầu tư, các địa phương nên có ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài khi vào đầu tư và được hưởng ưu đãi là phải có trách nhiệm với doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, trong một thời gian nhất định, phải đưa doanh nghiệp của Việt Nam vào cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế để trong quá trình thu hút đầu tư sẽ có ràng buộc với doanh nghiệp nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần bổ sung nhân sự làm về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, để tư vấn, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp.

Ông Lê Khắc Bảo kiến nghị, Bộ Công Thương cần hỗ trợ địa phương nghiên cứu thành lập một trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hải Phòng; đồng thời tham mưu cho thành phố một số cơ chế chính sách cho các cụm liên kết ngành và cụm công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ cần có thêm một số chính sách hỗ trợ về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực công nghiệp cho thành phố, vì hiện đang thiếu.