Xem động vật “phát điên” mỗi khi trăng tròn
Đi tìm lời giải cho việc Mặt trăng có sức ảnh hưởng lớn như thế nào đến thế giới động vật…
Có không ít câu chuyện ly kỳ xảy ra xung quanh những đêm trăng tròn mà đến nay, các nhà khoa học vẫn không ngừng đưa ra tranh luận. Các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết để đi tìm lời giải cho việc, liệu Mặt trăng có sức ảnh hưởng lớn như thế nào đến thế giới động vật. Đó là sức mạnh thần bí, ma quái của tự nhiên hay chỉ là những điều mà khoa học chưa thể lý giải.
Tuy vậy, trong một nghiên cứu mới đây, nhà sinh học Noga Kronfeld-Schor thuộc trường Đại học Tel Aviv (Israel) đã chỉ ra rằng: “Mặt trăng có thể tác động như một ám hiệu đồng bộ giữa các cá thể, là một ám hiệu cho những thông số môi trường khác như thủy triều, nguồn thức ăn, hay đơn giản cho phép động vật sử dụng thị giác. Những hành vi mà nó tác động khá đa dạng, từ những quá trình dài hạn như sinh sản theo mùa, di cư hay phản ứng trực tiếp với mức độ chiếu sáng”.
Cùng tìm hiểu một vài phương thức tác động của chu kì Mặt trăng đối với hành vi của giới động vật qua nghiên cứu của trang Discovery News dưới đây.
1. San hô giao phối nhiều hơn
Nghiên cứu rạn san hô lớn ở Australia, các nhà khoa học nhận thấy, sau mỗi dịp trăng tròn, hàng trăm loài san hô cùng nhau sinh sản đồng thời. Nhà nghiên cứu Oren Levy của Đại học Bar Ilan (Israel) nói với Discovery News rằng, Mặt trăng “có thể dàn dựng chuyện giao phối của hơn 130 loài san hô”.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, có lẽ, chính Mặt trăng là nhân tố kích thích chủ yếu cho hiện tượng này. Sự ảnh hưởng từ sức hút Mặt trăng đối với chất lỏng trên Trái đất (lý thuyết được dùng để giải thích cho hiện tượng thủy triều thường lên cao vào những đêm trăng) ít nhiều tác động đến môi trường sống của các loài san hô.
Nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, nguồn thức ăn đã góp phần, hỗ trợ cho hàng trăm loài san hô phóng thích tinh trùng và trứng đồng thời, làm tăng xác suất thụ tinh.
2. Vật nuôi “cắn xé” nhiều hơn
Kiểm chứng nhiều trường hợp ở Trung tâm Khám chữa bệnh Vật nuôi thuộc bang Colorado (Mỹ) trong một khoảng thời gian dài, các nhà nghiên cứu chỉ ra, hầu như động vật đều trở nên hung dữ và thay đổi bất thường vào những ngày xuất hiện trăng tròn.
Phổ biến nhất, chúng thường cắn xé, cào cấu, “tặng” nhau những vết thương. Những vết thương hoặc tình trạng bệnh ở các loài vật nuôi gần gũi nhất với con người như chó, mèo… cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong suốt những ngày trăng tròn, tại các phòng cấp cứu dành cho vật nuôi, số lượng các con vật rơi vào tình trạng sức khỏe nghiêm trọng tăng lên tới 23% (đối với mèo) và 28% (đối với chó).
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin, có một mối liên hệ vô hình giữa quãng thời gian này trong tháng và những con vật mà con người chưa thể khám phá ra. Một giả thuyết đã được đưa ra, có thể những con vật nuôi này đã dành nhiều thời gian dạo chơi ở bên ngoài vào ban đêm khi Mặt trăng sáng, theo đó, sức hút từ Mặt trăng ít nhiều đã tác động đến hệ thần kinh của chúng, dẫn đến tình trạng “cắn xé” nhau nhiều hơn.
3. Bọ cánh cứng đào lỗ lớn hơn
Con bọ cánh cứng, ấu trùng của loài côn trùng giống chuồn chuồn hay còn gọi là kiến sư tử (ant lion) đã đào những cái lỗ lớn hơn để bắt con mồi vào đêm trăng tròn.
Hành vi thay đổi này có thể là kết quả của việc những con côn trùng – con mồi của chúng trở nên linh hoạt hơn dưới ánh trăng tròn. Bởi thế, những con bọ cánh cứng này sẽ chăm chỉ đào những cái lỗ lớn nhằm hi vọng, “thu hoạch” được nhiều con mồi hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm ra, thói quen này của bọ cánh cứng cũng xảy ra khi được ở trong môi trường bóng tối nhưng nó không thực sự linh hoạt giống như trong khoảng chu kỳ Mặt trăng.
4. Sư tử tấn công người nhiều hơn
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota, Mỹ sau khi phân tích dữ liệu gần 500 vụ sư tử tấn công người dân làng ở Tanzania, châu Phi đã kết luận rằng, thời gian ngay sau đêm trăng tròn là lúc sư tử trở nên nguy hiểm nhất và là thời kỳ đen tối nhất đối với con người.
Sư tử săn mồi thành công hầu hết vào lúc tối, điều này cho phép chúng gây bất ngờ đối với con mồi. Vào những đêm trăng sáng, sư tử có khi phải chịu đói do đó, thời gian ngay sau khi trăng khuyết đã tạo cơ hội cho sư tử tìm được những con mồi béo bở.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh thêm: “Trăng tròn chính xác là dấu hiệu báo trước nguy cơ kẻ săn mồi tấn công mạnh đột biến trong những ngày tiếp sau. Vì thế, ngày trăng tròn bản thân nó không phải là ngày nguy hiểm nhất mà lại là báo hiệu của “bóng tối” đang đến gần”.
5. Chim tăng tần suất săn mồi
Với một số loài chim nhất định, chúng sẽ thay đổi và gia tăng tần suất săn mồi của mình vào những đêm trăng tròn. Ví dụ như cú đại bàng thường có xu hướng gia tăng hoạt động săn mồi vào những đêm có trăng tròn. Bên cạnh đó, ánh trăng sáng sẽ giúp các loài chim đạt được độ thị lực tốt, bao quát được phạm vi rộng để bắt mồi ban đêm.
Tuy nhiên, cũng có những chim cú khác lại tránh hoạt động vào các đêm trăng tròn mà theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hành vi này sẽ giúp chúng tránh né những kẻ săn mồi đáng sợ khác.
Phù du ở châu Phi
Phù du (Povilla adusta) ở hồ Victoria, Đông Phi, đồng bộ hóa hoạt động giao phối với Mặt Trăng. Loài côn trùng này xuất hiện với số lượng lớn sau khi kết thúc giai đoạn ấu trùng dưới nước (kéo dài 4 – 5 tháng), khoảng hai ngày sau trăng tròn. Khi trưởng thành về mặt sinh sản, chúng chỉ sống được 1 – 2 giờ. Do đó, chúng phải nhanh chóng thể hiện, giao phối và đẻ trứng trước khi chết.
Phù du sử dụng chu kỳ Mặt Trăng như chiếc đồng hồ giúp đảm bảo rằng bạn tình tiềm năng sẽ có mặt. Sau đó, ánh trăng cũng giúp chúng hoàn thành các nhiệm vụ khẩn cấp.
Phù du bám vào lá cây trên bờ sông Otonabee, Canada. (Ảnh: Nina Munteanu).
Cú muỗi
Cú muỗi là nhóm chim săn côn trùng bay vào lúc hoàng hôn và bình minh. Nhóm nghiên cứu của Hedenström đã theo dõi cú muỗi châu Âu (Caprimulgus europaeus) khi bay (cả lúc kiếm ăn lẫn di cư) trong một năm với gia tốc kế – một loại cảm biến chuyển động.
Kết quả, trong thời kỳ trăng tròn, cú muỗi kéo dài thời gian kiếm ăn đến đêm, có lẽ để bắt nhiều côn trùng hơn dưới ánh trăng. Trong thời kỳ này, khi có thêm thời gian kiếm ăn, chúng cũng ở lại địa phương.
Sau đó, bước vào giai đoạn trăng khuyết khoảng 12 ngày, khi cơ hội kiếm ăn dần biến mất, cú muỗi bắt đầu thực hiện những chuyến bay dài giữa châu Âu và miền nam châu Phi trong các mùa di cư xuân và thu.
Mặt Trăng cũng quyết định khi nào cú muỗi đẻ trứng. Chúng muốn trứng nở vào lúc trăng tròn để có điều kiện kiếm ăn tốt nhất khi các con non cần thức ăn nhất.
Chim yến
Chim yến đen (Cypseloides niger) xây tổ trên gờ và hốc của những vách đá xa xôi ở miền tây Mỹ và Canada. Cuộc di cư của chúng ít được biết tới cho đến năm 2012, khi các nhà khoa học dùng máy định vị địa lý mức ánh sáng để theo dõi và phát hiện, chim yến sinh sản ở dãy núi Rocky di cư đến Amazon, tây Brazil.
Chim yến châu Âu (Apus apus) bay liên tục 10 tháng, khi không sinh sản, bao gồm cả cuộc di cư giữa châu Âu và vùng châu Phi nhiệt đới. Trong một nghiên cứu năm 2022, để kiểm tra điều này có đúng với chim yến đen hay không, các nhà khoa học gắn cho chúng thiết bị ghi dữ liệu đa cảm biến.
Kết quả, chim yến đen không chỉ bay suốt 8 tháng di cư và trú đông mà còn thực hiện một hành vi bất ngờ. 10 ngày xung quanh mỗi dịp trăng tròn, trong giai đoạn không sinh sản, chúng bay lên độ cao lớn (3.000 – 4.000 m) sau hoàng hôn và ở đó suốt đêm. Nhưng xung quanh mỗi dịp trăng non, chúng bay ở độ cao tương đối thấp.
Dữ liệu gia tốc bay cho thấy chim yến bay tích cực hơn trong những thời điểm sáng hơn, khi ở độ cao lớn, so với khi bay trong bóng tối. Điều này cho thấy chúng bắt được nhiều côn trùng hơn và sử dụng nhiều năng lượng hơn vào dịp trăng tròn.
Nhờ sự trùng hợp may mắn, nguyệt thực đã xảy ra trong quá trình nghiên cứu vào đêm 20 – 21/1/2019, khi 5 con chim yến đen đang bay cao dưới ánh trăng. Khi Mặt Trăng bị bóng Trái Đất che khuất, tất cả chúng đều phản ứng bằng cách hạ xuống nhanh chóng.
Chim yến đen bay giữa không trung. (Ảnh: Michael Bolte/Thư viện Macaulay).
Cú lợn lưng xám
Cú lợn lưng xám (Tyto alba) có hai màu đỏ và trắng. Con mồi chính của chúng, chuột đồng, dễ dàng trông thấy cú hơn dưới ánh trăng và phản ứng bằng cách bất động trong giây lát. Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra, dưới ánh trăng, nếu là cú đỏ, cơ hội chuột đồng thoát thân khá lớn.
Nhưng nếu là cú trắng, chuột đồng bị lóa mắt bởi ánh trăng phản chiếu từ lông cú và bất động lâu hơn. Cú trắng do đó thành công hơn cú đỏ khi bắt chuột đồng dịp trăng tròn, đồng nghĩa con non của chúng ít có nguy cơ chết đói hơn.
Bọ hung
Bọ hung châu Phi (Scarabaeus zambesianus) thu thập phân voi và tạo thành khối tròn để nuôi dưỡng con non. Sau đó, nó lăn những quả bóng này ra khỏi đống phân để tránh sự cạnh tranh từ các con bọ khác. Cách hiệu quả nhất là lăn theo đường thẳng.
Sau hoàng hôn, khi thiếu Mặt Trời và mẫu hình phân cực của nó (mắt người không thể thấy), bọ hung sử dụng mẫu hình phân cực mờ hơn nhiều xung quanh Mặt Trăng để duy trì lối thoát thẳng. Điều này hiệu quả hơn nhiều dưới ánh trăng tròn.
Trong một nghiên cứu năm 2003, sử dụng bộ lọc ống kính máy ảnh phân cực, nhóm chuyên gia thành công đổi hướng của mẫu hình phân cực trăng tròn, khiến bọ hung cũng thay đổi hướng đi. Trong khi đó, vào những đêm tối gần thời điểm trăng non, bọ hung không thể duy trì đường thẳng mà đi theo những đường ngoằn ngoèo.