Xóm nghề đồng hương tại TP.HCM: ‘Xóm Quảng’ hơn nửa thế kỷ bán vị quê hương
Xóm nghề đồng hương tại TP.HCM: ‘Xóm Quảng’ hơn nửa thế kỷ bán vị quê hương
Mang ẩm thực xứ Quảng vào Nam
Nằm trên con đường Trần Mai Ninh (Q.Tân Bình), chợ Bà Hoa (nay là chợ P.11) từ lâu đã nức tiếng như một xóm nghề, để người xứ Quảng buôn bán các đặc sản mang đậm hương vị quê hương mình.
Ghé ăn mỳ Quảng tại khu chợ này, chúng tôi gặp bà T. (63 tuổi). Hỏi về gốc gác của chợ Bà Hoa. Bà T. nói không nhớ rõ chợ thành lập từ năm nào, nhưng chỉ nhớ vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, có một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hoa mua lại một khu đất trống rồi xây nên chợ. Sau đó, bà Hoa phân chia khu vực thành từng lô cho các tiểu thương thuê lại buôn bán.
Bà T. cũng chia sẻ rằng chợ này trước đây có tên là chợ Linh Hoa, nhưng người dân thường gọi là chợ Bà Hoa, từ đó cái tên này đã gắn bó với chợ đến tận bây giờ. Thời gian đầu, chợ chủ yếu là người miền Bắc buôn bán, nhưng theo năm tháng họ đã di cư đi nơi khác.
Điều này đã tạo cơ hội cho người miền Trung, chủ yếu là những người Quảng Nam và Quảng Ngãi (khoảng 90%), từ khu làng dệt Bảy Hiền chuyển xuống chợ Bà Hoa để buôn bán các đặc sản quê hương như xu xoa, mì quảng, don, ốc lễ, mắm nêm…
Cũng từ đó, văn hóa ẩm thực xứ Quảng cứ thế lưu truyền và phát triển qua từng thế hệ ở giữa lòng TP.HCM.
Chợ Bà Hoa chuyên bán đặc sản của người miền Trung
ẢNH: UYỂN NHI – DU YÊN
Lân la hỏi thăm các tiểu thương ở chợ, một người phụ nữ trung niên chân chất, thật thà xởi lởi mời chúng tôi mua hàng: “Mua gì em ơi, xu xoa hay ốc lễ, có cả don nè em ơi, hôm nay don ngon lắm”. Chị tên Tuyền (quê ở H.Mộ Đức, Quảng Ngãi).
Chia sẻ về cơ duyên sống ở xóm đồng hương xứ Quảng, chị Tuyền nói được một đồng hương dẫn vào TP.HCM và nhập hội buôn bán ngót nghét 5 năm nay.
Chị Tuyền kể, những người buôn bán ở đây đều là đồng hương với nhau cả nên xem nhau như chị em, gia đình. Tuy khác huyện nhưng luôn sống yêu thương, chan hòa và giúp đỡ nhau không vì lý do gì cả.
“Xóm nghề hủ tiếu gõ” giữa lòng TP.HCM
Dạo quanh các con đường ở TP.HCM, chúng tôi còn bắt gặp “xóm hủ tiếu” Quảng Ngãi giữa lòng TP.HCM. Mặc dù không có tài liệu nào ghi lại nguồn gốc chính xác của xóm này, nhưng theo nhiều người bán hủ tiếu gốc Quảng Ngãi, xóm hình thành vào khoảng những năm đầu thập niên 90. Bắt đầu từ việc một số người cùng quê vào TP.HCM bán, quy mô ngày càng mở rộng khi có thêm nhiều người di cư đến.
Nằm trong một con hẻm trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), chúng tôi gặp một người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, tóc đã bạc và đôi mắt rất buồn. Vừa thái thịt thành những lát mỏng, bàn tay bà nhanh thoăn thoắt trụng hủ tiếu, chan thêm nước dùng đậm đà. Chúng tôi hỏi, bà nói tên Ba (59 tuổi, quê ở H.Mộ Đức, Quảng Ngãi).
Hồi trước ở quê bà Ba làm ruộng, nhưng không đủ tiền nuôi con. Thấy nhiều người cùng quê vào TP.HCM lập nghiệp bán hủ tiếu, thu nhập ổn định nên bà đi luôn. Khăn gói lên thành phố “kiếm sở mần”, bà Ba mang theo hy vọng đổi đời và mong đời con khấm khá hơn.
Bà vẫn nhớ như in ngày đầu tiên mới lên thành phố mưu sinh, bà đi cùng chuyến xe khách với một người phụ nữ cùng quê. Nhờ cơ duyên đó, bà Ba được người bạn đó dẫn dắt vào nghề rồi dạy cho cách nấu nước lèo, chế biến nguyên liệu… để làm sao có bát hủ tiếu phù hợp với người TP.HCM nhất.
Bà Bà nói, gần 30 năm trước người Quảng Ngãi vào TP.HCM bán hủ tiếu rất nhiều, rồi người đi trước dẫn người đi sau. Họ sống cùng nhau thành từng xóm rồi tỏa ra nhiều phố xá để bán hàng. Nhưng sau này, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người Quảng Ngãi đổi nghề hoặc về quê. Những người ở xóm nghề hủ tiếu tại khu vực của bà còn khoảng 3 – 5 người.
Bà Ba tiết lộ, nghề hủ tiếu cũng có những luật riêng để không ai sợ bị cạnh tranh, giành giật địa bàn. Chỗ nào có xe hủ tiếu thì các xe còn lại phải bán ở con hẻm khác nhằm khỏi “đụng hàng”.
Để chuẩn bị một tô hủ tiếu chất lượng, mỗi ngày bà phải dậy 3 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, bà tự tay đi chợ mua thịt, rau… Giá mỗi phần từ 20.000 – 25.000 đồng/tô, người khó khăn bà Ba giảm giá 5.000 – 10.000 đồng/tô. Ai khổ bà cho luôn.
Bà Ba nhớ lại, những năm 2000 – 2010, được xem là thời “hoàng kim” của nghề hủ tiếu gõ. “Hồi đó bán có 2.000 – 3.000 đồng/tô, khách đông lắm. Mọi người thường lấy muỗng gõ vào miếng nhôm kêu lách cách đi khắp phố phường. Càng ngày giá nguyên liệu càng tăng nên mình cũng phải tăng theo. Nhưng để khách ăn no, tôi phải thêm thịt, hủ tiếu cho người ta. Người ta cũng khổ, mình cũng khổ. Từ chỗ nghèo khó đi ra nên mình hiểu được hoàn cảnh của họ”, bà Ba trần tình.
Hủ tiếu gõ là đặc sản của người Quảng Ngãi
ẢNH: UYỂN NHI
Bà Ba có 3 người con, đứa con lớn mới vừa lập gia đình, con giữa đang làm tài xế xe ôm công nghệ, còn đứa con út đang học lớp 11. Bà Ba hối hận khi cho đứa giữa nghỉ học.
Mắt bà đỏ hoe kể: “Đau lắm! Lúc đấy tôi còn bán trên thành phố, hôm sau về quê mới biết con đã nghỉ học 20 ngày. Tôi ngồi khóc như mưa”. Rồi bà nói thêm: “Bây giờ còn đứa con út, tôi phải gắng sao cho nó ăn học đàng hoàng. Mỗi ngày lãi không được bao nhiêu nhưng mình phải ráng thiếu chỗ này đắp chỗ kia cho nó đi học”.
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Ngoài đường, vài người khoác áo mưa mỏng dính tiếp tục bán hủ tiếu, số khác lặng lẽ đẩy xe đi về. Để ý bàn chân của bà Ba, tôi thấy đã chai sạn. Bởi, hành trình “buôn thúng bán bưng” của bà đã ngót gần 30 năm.
Bà Ba nghẹn ngào, vào TP.HCM mưu sinh, bà biết ơn những người đồng hương đã cưu mang, giúp đỡ bà. Dù không quen biết nhiều, nhưng chính sự gắn kết từ quê hương đã giúp bà Ba vượt qua những ngày tháng khốn khó. Ban đầu không biết nhau nhưng đồng hương đã sàng sẻ kế sinh nhai cho bà, giúp bà có được công việc và nuôi con cái khôn lớn.
Anh chị gia đình đang tham khảo mẫu giường spa gỗ để làm massage cho ông bà, anh chị. Liên hệ ngay bên Nội Thất Hùng Iota nhé, đơn vị sản xuất giường spa giá rẻ tại xưởng.