Yên Bái: Ước mơ về một căn nhà của người vợ liệt sỹ
Yên Bái: Ước mơ về một căn nhà của người vợ liệt sỹ
(Xây dựng) – Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng quê hương đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để giành được độc lập tự do, giữ vững bờ cõi chủ quyền của đất nước, giành hòa bình hạnh phúc cho nhân dân, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống, trong đó có hàng chục nghìn người chưa biết nằm an nghỉ ở nơi nào, bìa rừng, dốc núi hay dòng sông, con suối. Tên tuổi của các anh, các chị đã hóa thân thành đất nước, thành tượng đài, thành bài ca, thành những hàng bia trắng, máu xương của các anh, các chị đã làm xanh tươi đồng ruộng, núi đồi Việt Nam và tô thắm màu cờ của Tổ quốc, có hàng chục nghìn người bị thương tật, bị phơi nhiễm chất độc màu da cam, bao thành phố, làng mạc bị tàn phá, bị hủy diệt bởi bom đạn và chất độc hóa học… Đó là nỗi đau và sự mất mát đối với một đất nước, một dân tộc trong và sau chiến tranh, bởi những hệ lụy của nó tác động trực tiếp vào cuộc sống con người và môi trường sinh thái và kéo dài qua các thế hệ. Đó là cái giá phải trả cho hòa bình, cho độc lập tự do bởi chiến tranh luôn có sự nghiệt ngã của nó.
Phên nhà nắng mưa đã mục nát được bổ sung những mảnh bạt. |
Suốt mấy chục năm qua, sau khi đánh tan kẻ thù xâm lược, non sông thu về một mối, đồng thời xua đuổi các thế lực thù địch xâm phạm chủ quyền đất nước, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta xây dựng tái thiết đất nước, từng bước củng cố an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế; từng bước đưa đất nước ta vượt qua các khó khăn thử thách, chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân.
Thời gian đã làm lành những vết thương trên da thịt, quá khứ của những ngày tháng lầm than của dân tộc đã nhường chỗ cho những niềm vui của hạnh phúc, màu xanh của ruộng đồng, núi đồi, nhà máy đã lấp kín những hố bom và những khung cảnh điêu tàn do chiến tranh để lại. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, ngày nay đất nước ta đang ngày càng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Vị thế của Việt Nam ngày một vững vàng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, bởi hậu quả của nó không thể giải quyết một sớm một chiều. Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm và chăm lo đối với các gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam như: Trợ cấp kinh phí, chăm sóc sức khỏe, xây dựng tượng đài, tu bổ và nâng cấp nghĩa trang, bia tưởng niệm, tìm kiếm hài cốt và thông tin về liệt sỹ, chăm sóc nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Do điều kiện kinh tế của từng địa phương trong cả nước khác nhau, nên để giải quyết toàn diện chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng còn đang là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là những địa phương ở miền núi không có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu nhập trong dân cư và thu ngân sách ở mức thấp, hạ tầng cơ sở chậm phát triển. Do đó, hiện nay có địa phương vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo đang ở nhà tạm, trong số này có những người là mẹ, là vợ, là thân nhân liệt sỹ, tuổi của họ cũng đã cao, bởi chiến tranh đã qua đi gần 1/2 thế kỷ.
Cụ Lương Thị Lưu 84 tuổi, vợ liệt sỹ cư trú tại thôn 4 xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, Yên Bái. |
Ước mơ có một căn nhà đủ che nắng mưa, gió bão để thờ con, thờ chồng đối với một số thân nhân liệt sỹ vẫn còn quá cao xa bởi cái nghèo, cái khổ cứ mãi bủa vây cuộc đời họ. Khi đất nước có kẻ thù xâm lăng, bao bà mẹ tiễn con lên đường tòng quân giết giặc, rồi đêm đêm không ngủ ngóng tin con từ nơi tuyến lửa, trong khúc khải hoàn ca của đất nước, thay vì để được đón con về trong vinh quang họ nhận được cho mình những tấm giấy báo tử, trong đó không ít giấy báo tử chỉ có một thông tin duy nhất là “hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Và họ đã khóc bao nhiêu năm ròng, không còn nước mắt để mà khóc nữa, trong lòng họ chỉ có một mong muốn duy nhất là được đón hài cốt của con về an nghỉ nơi quê nhà.
Nhưng những mong muốn đó cũng chưa thể thực hiện được vì họ còn nghèo, không đủ điều kiện kinh phí cho việc đi lại, ăn ở, tìm kiếm, làm thủ tục đối chứng ADN… Trong số những thân nhân liệt sỹ ấy, chúng tôi tình cờ biết đến sau chuyến đi công tác thực tế khi ngồi cùng chuyến xe với một người bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra miền Bắc thăm gia đình, và người bạn đó đã dẫn anh em phóng viên đến nơi ở của một người vợ liệt sỹ vào buổi trưa cuối tháng 5 vừa qua.
Hình ảnh một cụ già nửa nằm, nữa ngồi trên chiếc võng vải đã sờn mép được mắc qua 2 chiếc cột nhà, tay cụ phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ, cách cụ không xa có một chiếc quạt điện phát ra tiếng kêu phành phạch bởi nó quá cũ nên không đủ làm mát, vì thế mà chiếc quạt trên tay cụ phải “hợp lực “để xua tan cái nóng bức giữa trưa hè.
Chúng tôi chào cụ và hỏi thăm sức khỏe, cụ trả lời câu được, câu mất, các con của cụ cho biết tai cụ bị nghễnh ngãng lâu rồi. Khi biết cụ là vợ của liệt sỹ, chúng tôi đã giành thời gian tìm hiểu qua chính quyền địa phương và bà con thôn xóm thì mới thấu hiểu hết về số phận của người phụ nữ đáng thương này.
Tên cụ là Lương Thị Lưu sinh năm 1940 quê ở xã Đông Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm 1965, cụ được bố mẹ gả chồng, nhà chồng ở xã Bằng Luân, tỉnh Phú Thọ. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Nhân sinh năm 1947, kém vợ 7 tuổi , ngày xưa việc dựng vợ gả chồng là do cha mẹ sắp đặt, cho nên việc vợ hơn tuổi chồng là lẽ thường tình. Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Nguyễn Văn Huân chồng của cụ đã lên đường nhập ngũ sau thời gian huấn luyện ở miền Bắc, năm 1970, hành quân vào Nam đánh giặc.
Kể từ lúc kết hôn cho đến thời gian vào chiến trường, ông bà đã kịp sinh cho gia đình bên chồng ba nàng “công chúa”. Riêng cô nàng thứ tư sinh ra sau đó vài tháng nhưng lúc này ông đã đi rồi nên chẳng có dịp nhận mặt con. Vào đến mặt trận Tây Nguyên, ông được bổ sung vào Đoàn đặc công 198, thư về cho vợ con một vài lần rồi bặt tin tức. Ngày nhân dân cả nước vui mừng chào đón chiến thắng thì cũng là ngày mẹ con cụ nhận được giấy báo tử báo tin là chồng của cụ đã hy sinh vào 10/3/1975 tại trận đánh giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột. Nhận được tin sét đánh đó, cụ và các con đau đớn từng khúc ruột, nhưng cụ vẫn phải nuốt nước mắt vào trong vì từ đây gánh nặng nuôi bốn đứa con đè lên vai. Cũng từ đó đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa cụ và bên gia đình nhà chồng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân cơ bản là cụ đã không sinh cho dòng họ bên chồng một thằng cháu trai nối dõi… Lục đục nội bộ trong gia đình luôn diễn ra và rồi gia đình nhà chồng đã xua đuổi năm mẹ con ra khỏi nơi sinh sống.
Đau đớn vì mất chồng nay lại đau đớn ra đi, năm mẹ con bà dìu dắt nhau vào một khu rừng thuộc xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Được bà con nhân dân nơi này thương tình giúp đỡ dựng cho chiếc lán sát bìa rừng làm nơi cư trú, sinh sống. Ngày ấy, rừng ở khu vực này vẫn còn nguyên sinh, nhiều loài thú rừng vẫn tồn tại bên con người, kể cả loại cọp to lớn. Nghe các cụ già kể lại có một hôm mà cụ và những đứa con lớn sang một khu rừng khác kiếm củi, trong lán chỉ còn cô bé út nằm ngủ, con cọp đã mò tới định bắt cô ăn thịt, may sao vừa lúc đó có những người nông dân đi qua phát hiện và hô hoán xua đuổi nên con cọp hoảng sợ chạy mất. Chẳng thể nào hình dung được nếu không có sự xuất hiện của những người nông dân ấy, sự sống của đứa con út của cụ sẽ ra sao.
Rồi cuộc sống cứ ngày tháng trôi qua, mẹ con cụ tần tảo mưu sinh bên cánh rừng, kiếm được cơm thì ăn cơm, kiếm được sắn thì ăn sắn, nhưng sắn và củ rừng vẫn là món ăn chủ đạo. Ngày ấy, cuộc sống người dân miền núi phía Bắc này nghèo lắm, miếng ăn hằng ngày vẫn là ngô, khoai, sắn mà thôi, lúa gạo sản xuất được phần lớn chuyển vào chiến trường nuôi quân đánh giặc. Nghe cụ và nhân dân kể lại rất nhiều lần do ăn sắn các con cụ bị say, bà con quanh đó phải dùng nước mật đường cấp cứu mới qua cơn nguy kịch.
Cứ như thế, tạo hóa diễn ra theo quy luật tự nhiên, các con của cụ cũng lớn dần lên vượt qua tất cả nghèo đói, thiếu thốn và nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương (nơi cụ đang ở ngày nay) cấp cho vài trăm mét đất ở, mấy mảnh đất vườn, đất ruộng để trồng lúa và hoa màu, từ đó mẹ con cụ lánh xa được khu rừng đầy nguy hiểm và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi đất nước hết chiến tranh.
Cả bốn người con của cụ cũng được cắp sách đến trường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ cũng chỉ học đủ để biết đọc, biết viết và cộng, trừ, nhân, chia mà thôi. Theo quy luật, họ lần lượt theo nhau về nhà chồng, mỗi người một hoàn cảnh, một góc bản đồ, cũng may là có hai người lấy chồng gần đó nên có thể thường xuyên chăm lo cuộc sống và sức khỏe cho cụ.
Có một điều họ đều giống nhau là điểm xuất phát thấp, thu nhập chỉ dừng lại ở mức đủ ăn và thoát nghèo. Chính vì thế mà người vợ liệt sỹ năm nay 84 tuổi vẫn sinh sống trong căn nhà làm bằng gỗ tạp từ hơn 40 năm về trước. Hầu hết, cột và xà nhà đã bị mối ăn ruỗng, mái nhà trước đây làm bằng cọ thì nay đã mòn đến tận cuống, để che được mưa thì chỗ được bổ sung bằng những tấm pro xi măng cũ, chỗ thì được che bằng những miếng bạt.
Hai đầu nhà trống trải nhìn rõ cả bầu trời, những tấm phên nứa tre xung quanh hầu hết đã mục nát được bổ sung vào đó những miếng bạt tận dụng và những tờ bìa cũ kiếm được từ các cửa hàng tạp hóa. Cả gia tài của cụ không có một vật dụng gì đáng giá vài chục nghìn đồng. Là vợ liệt sỹ, cụ được Nhà nước trợ cấp 2.055.000 đồng/tháng, vì khoản tiền này mà cụ không được xếp vào diện hộ nghèo, tiêu chí ở nông thôn hiện nay là vậy.
Theo hóa đơn thuốc mà các con cụ cho xem thì hàng tháng số tiền trợ cấp cơ bản được dùng để mua thuốc, bởi cụ bị rất nhiều bệnh cần phải sử dụng những thuốc đặc hiệu… Tâm sự với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo xã Phú Thịnh cũng bộc bạch: “Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của cụ, nhưng xã cũng chẳng có nguồn thu nào khác ngoài nguồn ngân sách cấp cho hoạt động, mặc dù vậy chúng tôi cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ cho cụ 50.000.000 đồng để làm nhà nhưng cụ không dám nhận vì không có vốn đối ứng…”.
Căn nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng của cụ Lương Thị Lưu tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, Yên Bái. |
84 năm đi qua cuộc đời người phụ nữ với biết bao thăng trầm, vất vả, đắng cay và đau thương, người vợ liệt sỹ tuổi 84 chia sẻ với chúng tôi hai ước mơ duy nhất: Một là được đón hài cốt của chồng về quê hương để có điều kiện thường xuyên hương khói. Ước mơ này các con của cụ đã thực hiện vài lần nhưng chưa thành vì việc đối chứng mẫu ADN không khớp, dù vậy cụ vẫn nhắc các con cứ thắp hương nơi có ngôi mộ mang tên ông. Cụ nói “chắc bố chúng mày cũng nằm quanh đâu đó thôi cứ thắp hương là ông ấy sẽ vui lòng”.
Ước mơ duy nhất còn lại của cụ là mong sao có một căn nhà đủ để ở che được nắng mưa, gió bão, để thờ cúng chồng một cách trang trọng như bao gia đình khác nhưng việc này chưa thực hiện được. Cụ ngồi đó không một lời oán trách số phận, có lẽ cụ chấp nhận định mệnh đã sắp đặt cho cuộc đời mình. Còn rất nhiều điều muốn nói, muốn kể về người phụ nữ, người vợ liệt sỹ đáng thương, đáng trân trọng này, song do thời lượng của bài viết quá hạn, chúng tôi – những thành viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hãy chia sẻ nỗi đau và hoàn cảnh của cụ để đồng hành hỗ trợ kinh phí giúp cụ xây dựng một căn nhà nhỏ để sinh sống trong những năm cuối của cuộc đời và cũng là tấm lòng tri ân, giúp cụ có nơi thờ cúng liệt sỹ được trang trọng, tôn nghiêm.
Mọi sự giúp đỡ xin chuyển đến: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái. Địa chỉ: Tổ 3, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Số TK giao dịch: 8700201006934, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái. |
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com